Trong những năm qua, du lịch trên tuyến Hành lang Đông - Tây phát triển thuận lợi nhờ có các cơ sở pháp lý về vận tải liên vận giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan, cụ thể: Thỏa thuận Việt Nam - Lào - Thái Lan về vận tải du lịch bằng đường bộ (ký ngày 2/11/2007); Bản Ghi nhớ Việt Nam - Lào - Thái Lan về tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua lại trên Hành lang Đông - Tây (ký ngày 24/8/2007, bổ sung sửa đổi ngày 21/2/2013); Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA, ký ngày 26/11/1999 giữa các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam). Theo đó, đối tượng dành cho phương tiện chở khách du lịch của ba nước có thể qua lại lãnh thổ của nhau được thuận lợi. Tuy nhiên, việc triển khai Thỏa thuận Việt Nam - Lào - Thái Lan về vận tải bằng đường bộ chưa được thực hiện do phía Lào chưa cho phép vận tải khách từ Việt Nam qua Lào sang Thái Lan và ngược lại. Việc triển khai các hiệp định cũng như bản ghi nhớ ba bên như trên gặp khó khăn trong thực tiễn do các thủ tục qua biên giới, trong đó có bảo lãnh hải quan.
Chương trình “Thu hoạch sớm” tập trung vào mục tiêu di chuyển thuận lợi cho các phương tiện thương mại vận chuyển hàng hóa và hành khách. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên có thể cấp tối đa 500 giấy phép vận tải đường bộ GMS đi lại nhiều lần và Sổ theo dõi tạm nhập (TAD) cho các doanh nghiệp vận tải của nước mình. TAD giống như hộ chiếu của phương tiện, phải được cán bộ hải quan của nước chủ nhà ký hoặc đóng dấu và đề ngày tại biên giới khi phương tiện nhập cảnh và xuất cảnh khỏi nước đó, không có giới hạn về số lần phương tiện có thể nhập - xuất, nhưng mỗi chuyến đi phương tiện không được lưu trú tại nước chủ nhà quá 30 ngày; đồng thời phương tiện có thể nhập cảnh qua một cửa khẩu và xuất cảnh ở một cửa khẩu khác nhưng chỉ được phép sử dụng các tuyến đường đã được quy định trong Phụ lục 1 của Hiệp định CBTA.
Việc triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ ‘Thu hoạch sớm” từ ngày 1/8/2018 có thể coi là một cánh cửa mở ra cho hoạt động du lịch đường bộ giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mà trước hết là các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar). Trên cơ sở những hạn chế về thủ tục đi lại bằng đường bộ giữa các nước trong khu vực, Bản Ghi nhớ “Thu hoạch sớm’’ đã ra đời nhằm giải quyết, tháo gỡ những rào cản giao thông đường bộ giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải khách du lịch từ Việt Nam đến Lào và Thái Lan. Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng xe biển số Việt Nam để đưa khách du lịch từ Việt Nam qua Lào sang Thái Lan thay vì phải thuê phương tiện vận tải biển số Lào đến Thái Lan như trước đây. Mặt khác, việc đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu giúp giảm thời gian làm thủ tục cửa khẩu và thông quan, thực thi “Một cửa - Một lần dừng”, kéo dài thời gian làm việc tại cửa khẩu đến 22h thay vì 20h như trước đây là những yếu tố thuận lợi cho khách du lịch.
Mặc dù vậy, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn chưa phát huy tiềm năng du lịch của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, vấn đề kỹ thuật hay cơ chế hợp tác. Nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ nhất là đoạn đường 9 tại Lào; đồng thời trên tuyến hành lang còn thiếu các công trình phụ trợ như trạm xăng, trạm dừng chân, các dịch vụ du lịch.Khu vực xung quanh Hàng lang Đông - Tây là nơi có tài nguyên tự nhiên, nhân văn phong phú với những khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, bãi biển đẹp, khí hậu trong lành, cảnh quan tương đối nguyên sơ đồng thời là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Kể từ khi Hành lang Đông - Tây được các nước ASEAN chính thức công nhận đưa vào Chương trình Hành động Hà Nội tháng 12/1998 đến nay, hoạt động du lịch trên tuyến hành lang có điều kiện phát triển khá sôi động, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng lượng khách du lịch đến hàng năm của mỗi nước nói riêng và cả khu vực nói chung.
Trong bối cảnh Bản Ghi nhớ “Thu hoạch sớm” triển khai cụ thể Hiệp định GMS-CBTA thúc đẩy triển khai Hiệp định GMS-CBTA sắp được thực hiện, ngành Du lịch của mỗi nước cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hoạt động du lịch. Sau đây là một số giải pháp cần thực hiện:
Về xây dựng sản phẩm du lịch
Các địa phương của Việt Nam và các nước trên tuyến Hành lang EWEC cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong liên kết xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Mỗi địa phương, mỗi nước có thể lồng ghép các tour hiện có của địa phương, nước mình với các địa phương, các nước trên tuyến hành lang để tạo ra các tour chung, sản phẩm du lịch mới của cả khu vực phù hợp với pháp luật du lịch, định hướng du lịch của mỗi nước.
Về quảng bá xúc tiến du lịch
Mỗi quốc gia cần xúc tiến du lịch Hành lang Đông - Tây như một điểm đến duy nhất với chiến lược quảng cáo chung để tạo ra sức mạnh tổng hợp thu hút khách du lịch đến với cả tiểu vùng. Có thể xem xét, nghiên cứu thành lập các nhóm doanh nghiệp lữ hành (hoặc câu lạc bộ, hiệp hội…) chuyên khai thác khách khu vực Hành lang Đông - Tây để cùng tìm cách xây dựng sản phẩm, quảng bá tạo thương hiệu chung của cả tiểu khu vực.
Về nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch
Các nước cần phát huy tối đa hỗ trợ của dự án ADB, Nhật Bản đồng thời có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ bổ trợ khác phục vụ du lịch trên tuyến hành lang.
Về đào tạo nguồn nhân lực
Các nước chú trọng đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn của nhân lực làm du lịch như lái xe, hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng… đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Về thực hiện các cơ chế, chính sách
Cần thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Hiệp định GMS-CBTA mà trước hết là Bản Ghi nhớ “Thu hoạch sớm”, duy trì các thủ tục hành chính, hải quan đơn giản, “một cửa - một lần dừng” thuận lợi… thúc đẩy hoạt động qua lại trên tuyến hành lang./.
Hành lang Đông - Tây (EWEC) là sự kết nối đường bộ khu vực giữa phía Đông và biển phía Tây của GMS bắt đầu từ Đà Nẵng tại Việt Nam thông qua Lào, Thái Lan và tuyến đường kết thúc tại Mawlamine của Myanmar với chiều dài 1.450km dọc theo đường số 9. Các tỉnh nằm trên Hành lang Đông - Tây gồm: Mawlamyinc, Myawady (Myanmar), Mae Sot, Tak, Phisanulok, Khon Kaen, Nakhon Panom, Kalasin, Mukdahan (Đông Bắc Thái Lan), Savanakhet, Champasak, Salavan (Lào) và Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam (Việt Nam).
|
Lê Quế
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018