Di sản đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại phiên họp lần này, UNESCO đã công nhận tổng cộng 26 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. 24/24 thành viên Hội đồng Di sản thế giới đã bỏ phiếu đồng ý cho hồ sơ của Việt Nam. Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được cả 5 tiêu chí đặt ra, khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.
Biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, được ra đời ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19, được sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam.
Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại 21 tỉnh phía Nam, đờn ca tài tử phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam ở vùng miệt vườn, sông nước với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường.
Tính đến nay, Việt Nam đã sở hữu 8 di sản văn hóa phi vật thể ở tầm nhân loại là nhã nhạc cung đình Việt Nam, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan và đờn ca tài tử Nam Bộ.
PV