Tham dự đối thoại có các đại diện các Bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực du lịch, xuất nhập cảnh, hải quan và giao thông của các nền kinh tế APEC cùng các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) và Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tham dự sự kiện.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/APEC-w.jpg)
Lãnh đạo các Bộ, Ngành đến từ các thành viên APEC tham gia Đối thoại cấp cao APEC 2103
Mục đích của đối thoại nhằm đưa ra các biện pháp để việc đi lại trong khu vực nhanh hơn, dễ dàng và an toàn hơn. Cơ sở để đề xuất các biện pháp dựa trên sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi về đi lại do các Lãnh đạo Kinh tế APEC đưa ra tại Honolulu năm 2011; sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC năm 2012 về vai trò của ngành Du lịch với tư cách là ngành tạo việc làm, tăng trưởng và phát triển kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương; và Tuyên bố của các Lãnh đạo Kinh tế APEC tại Vladivostok năm 2012, giao cho các Bộ trưởng Du lịch và Giao thông APEC tìm biện pháp khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi đi lại quốc tế.
Đối thoại đã ghi nhận những kết quả quan trọng của nghiên cứu về tác động của việc tạo điều kiện đi lại thuận lợi đối với khu vực APEC của UNWTO và WTTC. Theo đó, mặc dù đã có những tiến bộ về việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh, 20% đi lại quốc tế tới khu vực APEC vẫn cần thị thực bằng giấy. Nghiên cứu đưa ra một số kết luận quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh có thể làm tăng thêm đến năm 2016 khoảng 12% - 18% hay 38 - 57 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 1 - 1,4 triệu việc làm trực tiếp và 62 - 89 tỷ USD từ trao đổi ngoại tệ.
Đối thoại đã khuyến khích sự cộng tác và cam kết giữa các diễn đàn và chương trình khác nhau trong APEC nhằm hỗ trợ sáng kiến tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong APEC và tiếp tục ủng hộ sự phát triển hơn nữa các hệ thống hướng tới việc thực hiện tăng cường trao đổi thông tin khách hàng và chương trình tạo điều kiện cho khách hàng đáng tin cậy tại các cửa khẩu. Đặc biệt, đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa 5 diễn đàn liên quan của APEC, bao gồm: Nhóm công tác du lịch, Nhóm công tác về dịch chuyển trong kinh doanh, Tiểu ban thủ tục hải quan và Nhóm công tác chống khủng bố.
Đại diện các Bộ, ngành của các nền kinh tế APEC tham gia đối thoại ủng hộ cam kết của các nền kinh tế APEC tăng cường sự thân thiện của các sân bay đối với khách du lịch, thúc đẩy tính địa phương, sự độc đáo và tính nguyên bản của điểm đến trong khu vực như là một phần của Chương trình đối tác giữa các sân bay. Các đại biểu cũng đã đề nghị Nhóm công tác giao thông và Nhóm công tác du lịch nỗ lực, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy thực hiện các chương trình này.
Tại Chương trình sân bay thân thiện với khách du lịch, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ quan điểm của Ban Tổ chức cho rằng các sân bay hiện nay chủ yếu mới chú trọng chức năng giao thông hàng không, chưa thể hiện rõ chức năng chào đón, thu hút khách du lịch trong khi ấn tượng đầu tiên về điểm đến du lịch được tạo ra khi khách du lịch đặt chân đến sân bay. Đồng thời, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng nhấn mạnh, để sân bay thực sự thân thiện với khách du lịch, ngoài cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, cần đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh cho khách du lịch; có hướng dẫn chi tiết về các quy trình, thủ tục, đặc biệt là quá trình kiểm tra hộ chiếu và cấp thị thực tại cửa khẩu; cung cấp các dịch vụ cần thiết với thông tin rõ ràng về điểm đến du lịch và đảm bảo sự hiếu khách và thân thiện của điểm đến thông qua các quy tắc ứng xử không chỉ của nhân viên sân bay mà của cả hành khách và các dịch vụ liên quan khác.
Đối thoại đã thống nhất ra Tuyên bố chung của Đối thoại cấp cao APEC về chính sách đi lại thuận tiện lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và đề nghị các Bộ trưởng APEC cân nhắc đưa các nội dung của Tuyên bố chung vào Tuyên bố của các Lãnh đạo Kinh tế APEC 2013.
Lê Tuấn Anh