Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 7.028 người nghiện ma tuý, với hình thức tiêm chích ngày càng phổ biến, nguy cơ lây nhiễm HIV cao, tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động và đang có xu hướng gia tăng trong thanh thiếu niên. Trước tình hình đó cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở chỉ đạo đa dạng hóa các loại hình cai nghiện, trong đó chú trọng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.
Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và số người nghiện ma túy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác cai nghiện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký cai nghiện. Việc lập hồ sơ, bệnh án, quyết định cai nghiện đảm bảo quy trình, thủ tục, thời gian, phác đồ quy định. Sau đợt cai nghiện tại trung tâm và cộng đồng, người cai nghiện được bàn giao về gia đình để phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể cấp xã tiếp tục quản lý, theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người cai nghiện lao động sản xuất.
Đến nay, tỉnh đã triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Điện Biên và 5 cơ sở thuộc Trung tâm y tế huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Ảng, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ. Từ năm 2010 đến nay, các trung tâm đã điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 1.452 lượt người, hiện đang điều trị cho 1.206 bệnh nhân.
Công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã đạt kết quả bước đầu song hiện nay công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện nhiều nhưng số người được đưa vào Trung tâm cai nghiện rất thấp. Cơ sở vật chất ở Trung tâm có quy mô nhỏ chưa đảm bảo để quản lý đối tượng vào cai nghiện. Sự chỉ đạo đối với công tác cai nghiện của một số ngành, nhất là ở các huyện, xã chưa quyết liệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu cai nghiện. Công tác quản lý, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện được lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn nhưng nguồn kinh phí huy động lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng, hiệu quả cai nghiện không cao, tỷ lệ tái nghiện nhiều. Việc quản lý người nghiện ở ngoài xã hội cũng rất khó khăn.
Để giảm thiểu tình trạng nghiện ma túy, cùng với triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, cần có sự chung tay, giúp sức của các cấp, các ngành trong tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động, để nâng cao nhận thức về hiểm họa, tác hại của ma túy, tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
PV