Phát biểu khai mạc, ông Pranay Verma Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có nguồn gốc lịch sử từ cách đây 2.000 năm và Phật giáo là phần quan trọng trong mối quan hệ lâu dài đó. Qua hội thảo, du khách sẽ được giới thiệu những thông tin về các thánh tích tại Ấn Độ cùng những điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm hỗ trợ du khách đến du lịch thuận tiện hơn.
Tại hội thảo ông Pranay Verma chia sẻ, sân bay quốc tế tại Kashinagar vừa được Thủ tướng Ấn Độ khánh thành ngày 20/10/2021, đây là cơ hội để kết nối thánh địa Phật giáo với thế giới. Ngoài kết nối bằng đường hàng không, du khách có thể đi vòng quanh tham quan, khám phá các di tích Phật giáo bằng tàu tại Ấn Độ.
Từ cuối năm 2019, đường bay thẳng nối các thành phố lớn của Ấn Độ đến Việt Nam đã được thiết lập mở ra những cơ hội mới cho du lịch 2 nước, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, các chuyến bay chưa được nối lại. Với sự kết nối của những đường bay này không chỉ thúc đẩy cam kết đa dạng giữa 2 nước trong đó có du lịch mà còn thúc đẩy các lĩnh vực khác như kinh doanh, văn hóa hoặc giao lưu nhân dân. Cùng với đó, để du khách có thể đến Ấn Độ một cách dễ dàng hơn, gần đây Chính phủ Ấn Độ đã cho ra mắt ứng dụng Su Swagatam dành cho du khách nước ngoài trong đó có việc thực hiện visa, khám phá các di sản văn hóa, các dịch vụ về y tế, thương mại, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm yoga, tâm linh…
“Vào tháng 10/2021, Chính phủ Ấn Độ đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến. Đặc biệt, ngày 15/11 tới đây, Ấn Độ sẽ mở cửa cho tất cả khách du lịch đi bằng đường biển hoặc hàng không và 500.000 khách đầu tiên sẽ được miễn visa du lịch”, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thông tin.
Ấn Độ là điểm đến được người Việt Nam lựa chọn bởi các di sản thiên nhiên, văn hóa phong phú, hấp dẫn; những di sản lừng danh của “nền văn minh sông Ấn”, cội nguồn linh thiêng của đất Phật qua các địa danh như sông Hằng, Vườn thánh Lâm Tỳ Ni. Kiến trúc đền thờ, cung điện, pháo đài là những tác phẩm điêu khắc vĩ đại, có tính nghệ thuật cao.
Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, đặc biệt là du lịch tâm linh Phật giáo. Đến Ấn Độ, du khách có thể trải nghiệm các vùng đất phật giáo với các hoạt động du lịch như thiền định, yoga, bái phật, chèo thuyền trên sông Hằng huyền thoại. Đây đều là những trải nghiệm vô cùng kỳ thú mà du khách Việt Nam yêu thích. Việt Nam là quốc gia gần 100 triệu dân với phần đông dân số theo tín ngưỡng phật giáo, là thị trường gửi khách tiềm năng cho Ấn Độ, tuy nhiên khách Việt Nam đi Ấn Độ chưa nhiều. Giai đoạn 2016-2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25%/năm và khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17%/năm. Năm 2019, trao đổi khách giữa hai nước đạt gần 200 nghìn lượt. Trong đó, khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ đạt gần 30 nghìn lượt và khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt khoảng 170 nghìn lượt.
Phát biểu tạihội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, để thu hút khách du lịch Việt Nam đến Ấn Độ du lịch phật giáo, trước hết, Bộ Du lịch Ấn Độ và các doanh nghiệp lữ hành của Ấn Độ cần tăng cường và thường xuyên giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch phật giáo của Ấn Độ cho các doanh nghiệp lữ hành và người dân Việt Nam. Các hình thức thực hiện có thể qua trình chiếu clip, đăng bài trên các kênh truyền thông của Việt Nam, tổ chức các hội thảo giới thiệu thị trường, tham gia vào các triển lãm du lịch quốc tế do phía Việt Nam tổ chức hàng năm. Qua đó, xem xét mời các doanh nghiệp lữ hành, nhà báo du lịch khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch phật giáo của Ấn Độ.
Đồng thời, các doanh nghiệp Ấn Độ đón khách du lịch Việt Nam cần chú ý xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách Việt Nam, chú ý đến các bữa ăn trong chương trình du lịch. Có thể nói ẩm thực là sự khác biệt cơ bản nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ. “Vì vậy, để đáp ứng tốt nhu cầu của khách Việt Nam, chúng tôi khuyến khích các đầu bếp, nhà hàng hợp tác trao đổi kinh nghiệm chế biến món ăn của mỗi nước thông qua hình thức trao đổi đầu bếp, các nhà đầu tư mở nhà hàng. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp du lịch của hai nước hợp tác xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ.
Nhằm tạo sự thuận lợi đi lại giữa 2 nước, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đi lại cho khách bằng việc miễn thị thực cho một số đối tượng khách nhất định hay rút ngắn thời gian xét duyệt cấp visa cho một số công ty du lịch tiêu biểu của Việt Nam đưa khách đến Ấn Độ,…
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu thông tin tới các doanh nghiệp lữ hành của hai nước Việt Nam - Ấn Độ rằng Việt Nam sẽ mở cửa thí điểm du lịch quốc tế ngay trong tháng 11 này. Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 05 địa phương ở giai đoạn 1 sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày. Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Trịnh Thu Thảo