Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả, Hội Nhà báo Việt Nam, cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.
Đây cũng là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ Dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024”. Được biết, Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động với mục tiêu nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới. Đối tượng tham gia hưởng lợi từ chương trình này là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam; đào tạo kỹ năng quản lý báo chí, các hội thảo tư vấn và các hoạt động hỗ trợ khác.
Tại Diễn đàn, nhiều đề tài tham luận bàn về vi phạm bản quyền đã được đề cập rất thiết thực như: đánh giá tổng quan tình hình thực trạng về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động báo chí; một số điểm đáng chú ý về vi phạm bản quyền báo chí; vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí tại một số đơn vị cụ thể (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Đài Truyền hình VN); các kiến nghị, đề xuất những giải pháp góp phần từng bước ngăn chặn và xử lý vấn đề vi phạm bản quyền; thiết lập liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí…
Trong xu thế hội nhập và phát triển, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực báo chí cũng đã ngày càng được nâng cao hơn. Hiện có khoảng 900 cơ quan đơn vị trong lĩnh vực thông tấn báo chí với 20.000 nhà báo. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập trong khâu bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, cụ thể là tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam vẫn đang diễn ra công khai, phổ biến và hết sức phức tạp dưới nhiều hình thức như “xào nấu” hoặc sao chép nguyên văn tác phẩm báo chí; dẫn lại, trích nguồn từ cơ quan có bản quyền nhưng không xin phép; tệ nạn tạo lập các trang web không rõ nguồn gốc, các trang web giả mạo gây nhầm lẫn cho bạn đọc… Mặt khác, không chỉ các sản phẩm báo in, báo điện tử bị vi phạm bản quyền, mà nhiều chương trình truyền hình cũng bị xâm phạm và sử dụng trên các nền tảng khác, thậm chí bị cắt ghép, xuyên tạc với dụng ý xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nắm bản quyền về mặt kinh tế và chính trị…
Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ, đều thống nhất với giải pháp đi đến thành lập một liên minh để bảo vệ tác quyền các tác phẩm báo chí một cách chuyên nghiệp và nhạy bén hơn.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đã hoan nghênh sự quan tâm tham dự đông đảo của các cơ quan báo chí về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời nêu rõ, do yếu tố lịch sử trước đây báo chí nước ta có số lượng ít, hầu hết là báo in và là cơ quan nhà nước, được bao cấp và báo chí được quyền chia sẻ thông tin. Mặt khác, liên quan đến luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm báo chí tin tức - thời sự không được bảo vệ, dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan báo chí không xem trọng vấn đề tác quyền khi sử dụng sản phẩm từ nguồn khác. Hoặc chính các cơ quan báo chí cũng chưa thực hiện hết quyền của mình được pháp luật bảo hộ. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức về quyền và bảo vệ quyền một cách xác đáng.
Giai đoạn hiện nay, báo chí phát triển và hội nhập cùng thế giới với công nghệ thông tin điện tử qua các loại hình truyền thông mới, thì tình trạng vi phạm bản quyền thường xảy ra rất nhanh ngay sau khi đơn vị báo chí xuất bản. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải xem bảo vệ tác quyền là vấn đề quan trọng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Trước hết, chính bản thân các cơ quan báo chí phải cam kết không vi phạm bản quyền của nhau và liên kết với nhau để thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Các cơ quan báo chí và doanh nghiệp công nghệ cần phải liên kết với nhau để cùng đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Về việc thành lập liên minh bảo vệ tác quyền báo chí, cần nghiên cứu sâu sát việc hình thành như thế nào, hoạt động ra sao? Xem xét lại hành lang pháp lý, văn bản pháp luật, cái gì cần sửa đổi để việc bảo vệ tác quyền đạt hiệu quả hơn. Liên minh này ngoài cơ quan báo chí cần phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ… vì mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, do vậy cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng và chia sẻ quyền lợi. Tuy nhiên, cho dù có liên minh thì các cơ quan báo chí cũng nên có cơ chế và giải pháp để tự bảo vệ mình trước tiên.
Tin và ảnh: Thu Hương