Hội nghị tập huấn tuyên truyền các nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các dự thảo văn kiện đại hội; trang bị, cung cấp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên về phương pháp, cách thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong các dự thảo văn kiện đại hội, nhất là những điểm mới, từ đó các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm, góp ý có chất lượng vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Giới thiệu và cung cấp một số nội dung cơ bản trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, PGS.TS. Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ Biên tập văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã cho hội nghị thấy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội, phát triển con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên; đồng thời, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiểu chuyển biến tích cực.
Dự thảo Báo cáo cũng cho thấy 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã tạo những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, khẳng định những giá trị to lớn của Cương lĩnh.
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Điều này khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo.
Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, dự thảo Báo cáo cho biết tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Trong khi đó, ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, mục tiêu phát triển đề ra là phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Báo cáo cũng nêu lên một số nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; triển khai đồng bộ sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đặc biệt, 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các đột phá cụ thể: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
P.V