
Vùng đồi đất Đơn Dương trải rộng từ vùng giáp ranh với Khánh Hòa, Ninh Thuận có khung cảnh thiên nhiên hoang dã, cuốn hút là thế giới thích hợp với những người ưa khám phá, từ những ngọn đồi hoang hoải bạt ngàn của những nông dân chăn gia súc theo kiểu du mục cho tới những con đường uốn lượn giữa điệp trùng cao nguyên. Cũng như nhiều vùng đất khác ở Lâm Đồng, Đơn Dương có rất nhiều mặt hàng nông sản dù không đa dạng và phong phú bằng Đà Lạt. Ở đây, có một loài cây trồng đặc trưng là cây dứa, được những người dân trồng rất nhiều, từ vùng Dran kéo qua Ka Đơn, Tà Ròn hay ngược lên tận Thạnh Mỹ, Tu Tra, đâu đâu cũng thoang thoảng mùi thơm của loài cây này. Dường như, sức hút của vùng đồi đất nơi đây không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp hoang sơ mà còn là sự màu mỡ, trù phù và no ấm, tiếp nối từ khi những cư dân người Thượng định cư ở ven bờ Đa Nhim cho tới tận ngày nay.

Du khách đã từng một lần từ xứ cát Phan Rang vượt qua tuyến quốc lộ 27 với con đèo Ngoạn Mục, một trong những con đèo hùng vĩ nhất ở Việt Nam mà tên của chúng cũng phảng phất sự hoang dã và cuốn hút đến nao lòng? Hai bên đèo, vô vàn những đồi núi hiện ra khiến khung cảnh vừa chông chênh, vừa ẩn hiện trong một sự chuyển mình rõ nét nhất của tự nhiên. Nghĩa là, từ dưới chân đèo, nơi mà cát nóng còn quấn chân người, vượt lên một quãng nữa đến khi có cảm giác lãng đãng sương mỏng, se se lạnh là biết chắc mình đã ở lưng chừng đèo Ngoạn Mục, đã chạm vào một phần của cao huyền Langbiang huyền bí. Sự chuyển mình ở đây không đơn thuần chỉ là khí hậu mà nếu tinh ý, sẽ nhận ra sự thay đổi của cả những đồi đất với hệ thực vật lá kim đặc trưng của nơi này. Có lẽ, không có cảm giác thích thú nào bằng cảm giác chứng kiến sự chuyển mình từ từ của trời đất, của sự vật từ xứ nóng Phan Rang tới xứ lạnh cao nguyên, trải ngay trước mắt, dưới hai bên đường khi đi qua con đèo này. Một hành trình ngắn ngủi mà kỳ thú vô cùng bởi sự tương phản nhiều khi đến trái ngược.

Đã đến Đơn Dương, chắc chắn không ai có thể bỏ qua dòng Đa Nhim, con sông bắt nguồn từ vùng núi Gia Rích bên huyện Lạc Dương. Mặc dù có chiều dài khá khiêm tốn, chỉ dăm chục cây số nhưng dòng Đa Nhim chính là nơi mang đến nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho hàng ngàn cánh đồng đất ở đây. Hơn nữa, cách đây mấy chục năm, khi hồ chứa nước Đa Nhim được xây dựng để làm thủy điện, nơi này còn là một địa điểm lý thú thu hút khách tới tham quan, bên cạnh những mái nhà người Mạ, người Thượng, người Kinh nơi đây. Ở đó, giữa núi rừng cao nguyên mênh mông trập trùng, hồ Đa Nhim như một tấm gương trời phẳng lặng soi bóng, yên bình ngay gần đèo Ngoạn Mục. Tôi thực sự không biết màu nước xanh của dòng Đa Nhim đã trải qua bao nhiêu chắt lọc của những thảm lá mục, của những dòng suối nơi thượng nguồn nhưng chắc chắn, nguồn nước ấy cũng chính là mạch máu của đại ngàn. Nó mang đến không chỉ nguồn nước mà còn chất chứa, ẩn tàng cả văn hóa, văn minh của vùng đất này. Một nhà nghiên cứu dân gian ở Đà Lạt từng nói, nếu không có những dòng sông dù nhỏ bé như Đa Nhim thì những cư dân đầu tiên khám phá ra mảnh đất này sẽ không bao giờ có thể tồn tại, sinh sống lâu dài. Vì thế, cũng như nhiều dòng sông khác ở Tây Nguyên, nhiều cư dân người Thượng ở những bản làng hai bên bờ vẫn quen gọi Đa Nhim là dòng sông mẹ, mang đến sự sống cho buôn làng.
Nét văn hóa mộc mạc nhưng lạ lùng và ít nhiều bí ẩn cũng cuốn hút những lữ khách lần đầu đặt chân tới Đơn Dương. Dù những con đường, những ngôi nhà cao tầng và những đoàn xe ngày đêm chạy qua mảnh đất này thì dưới thâm u những tán rừng thông kia, sự bí ẩn của những tộc người Mạ, người Thượng vẫn là điều gì đó khiến người ta phải tò mò. Ở đó, có những người phụ nữ ở trần, những chiếc cồng chiêng hay điệu hát Hơri, chiếc nhẫn Tu Tra… và hơn cả là vẻ mộc mạc vẻ mộc mạc, chân thành của những con người chất phác. Tôi đã ngồi lại không biết bao lâu cùng những phụ nữ người Mạ, người Thượng chỉ để nghe họ kể về quãng đời dài dằng dặc của mình, quãng đời gắn liền với những cuộc di cư cho tới ít năm trước đây, khi những tuyến quốc lộ hình thành, nối liền và kéo các cộng đồng lại gần nhau hơn.
Ngày nay, đồi đất Đơn Dương đã thay đổi nhiều. Không còn là những cánh rừng lá kim dọc triền đèo như tôi thấy mà thay vào đó là ngút ngàn những cây trồng có ích, mang đến ấm no và sinh kế bền vững hơn, như đồi trà, đồi cà phê, đồi hồ tiêu. Dòng sông mẹ Đa Nhim với những thác nước hùng vĩ đã cuốn hút hàng triệu người, níu chân họ tới nơi đây, mang đến những thay đổi của bạt ngàn hoang vu nơi này. Tất cả, những nét đổi thay và những tàn tích của ngàn năm xưa cũ, đã tạo cho Đơn Dương một nét vừa thân quen, vừa bí ẩn, khiến bao người mê đắm.
Đoàn Đại Trí