Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng là vựa gạo, vựa cá, vựa rau củ và đặc biệt là vựa trái cây nhiệt đới không chỉ của Việt Nam mà của cả vùng Đông Nam Á. Chợ nổi đã hình thành từ rất xa xưa ở một vùng mênh mông sông nước, kênh rạch chằng chịt như đồng bằng sông Cửu Long khi nông dân chủ yếu dùng ghe, tàu mang nông sản, trái cây mà họ thu hoạch đi bán; đồng thời, thương lái cũng tận dụng đường thủy để vào đồng ruộng, vườn trái cây đi thu mua. Nhu cầu mua – bán gặp nhau trên ngã ba sông, tạo thành chợ.
Những chợ nổi nhộn nhịp ở đồng bằng sông Cửu Long là chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang). Vào mùa nào trong năm, du khách cũng sẽ thích thú khi đi tàu ra sông xem cảnh mua bán của chợ nổi.
Trên chợ nổi, du khách sẽ thấy những người chở rau củ, trái cây đầy ắp trên ghe nhỏ chạy máy hoặc xuồng chèo tay cập vào những ghe, tàu lớn để bán hàng, rồi lại có những ghe nhỏ mua hàng từ ghe, tàu lớn để mang đi bán ở những nơi khác. Chợ nổi nào cũng có ghe, tàu từ các địa phương chung quanh đến.
Muốn biết ghe, tàu mua bán từ đâu đến thì nhìn vào chữ viết tắt tên tỉnh trước số hiệu ghi bên hông ghe, tàu. Muốn biết ghe, tàu thu mua hay bán hàng gì thì nhìn lên “cây bẹo” cắm trước mũi ghe, tàu. Đây là nét đặc trưng độc đáo của chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Cây bẹo thường là một cây sào tre thật dài, trên đó người ta treo những loại rau củ, trái cây mà họ mua hay bán. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt là nếu tàu, ghe nào treo lá dừa trên cây bẹo thì không phải là họ bán lá dừa, mà ngụ ý là họ muốn bán chính chiếc ghe, tàu của họ.
Xen vào những ghe, tàu mua bán rau củ, trái cây là những ghe bán hàng ăn, cà phê, nước giải khát để phục vụ cho những người buôn bán trên chợ nổi.
Vào dịp tết Nguyên đán, nhiều ghe, tàu bán hoa chậu làm cho chợ nổi càng thêm màu sắc.
Chợ nổi họp từ 3 – 4 giờ sáng, khoảng 5 – 6 giờ sáng là đông vui nhất, đến 8 – 9 giờ thì chợ thưa dần. Vì vậy, khách du lịch muốn đi chợ nổi phải chịu khó đi sớm mới thấy được không khí chợ nổi của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ở các tỉnh có chợ nổi nhộn nhịp đều có những bến tàu du lịch đón khách đi chợ nổi. Khách du lịch có thể mua trái cây, chắc chắn tươi ngon vì toàn là hàng mới hái từ trong vườn ra. Người dân rất hiếu khách sẵn sàng cho khách thử thoải mái, ưng ý mới mua.
Khách có thể đi từ TP. Hồ Chí Minh về đồng bằng sông Cửu Long bằng xe chất lượng cao của hai hãng Phương Trang và Mai Linh. Từ TP. Hồ Chí Minh đi Cái Bè mất khoảng 2 giờ (100.000 VNĐ), đi Cần Thơ mất khoảng 3 giờ (125.000 VNĐ), đi Châu Đốc khoảng 4 giờ (160.000 VNĐ), đi Hậu Giang khoảng 4 giờ (150.000 VNĐ). Từ bến xe, khách đi taxi hoặc xe bus địa phương đến bến tàu đi chợ nổi.
Từ bến tàu ra chợ nổi chỉ mất khoảng 20 – 30 phút, chi phí 25.000 – 30.000 đồng/khách tùy số lượng khách đi trong chuyến tàu. Khách ngồi trên tàu ra chợ nổi thỉnh thoảng sẽ thấy người dân địa phương đánh bắt cá trên sông. |
Nguyễn Các Ngọc
(Tạp chí Du lịch)