Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp sau về lễ kỷ niệm: Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức ngày kỷ niệm an toàn, quy mô phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; quán triệt, thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 88-KL/TW ngày 18/02/ 2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh, xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm, xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu và Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Giao Bộ VHTTDL chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động thông tin, cổ động, văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, triển lãm, điện ảnh... phục vụ nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến; động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật về truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa tin, tuyên truyền về các ngày kỷ niệm của đất nước bảo đảm kịp thời, đúng định hướng chính trị, tư tưởng. Về công tác quản lý, tổ chức lễ hội: Giao Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quản lý hoạt động lễ hội trình Chính phủ ban hành trong năm 2017; Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lễ hội; Các Bộ, ngành, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ sau: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Không tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời, đảm bảo việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... diễn ra trong lễ hội. Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, phòng cháy, chữa cháy, bố trí nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội.
Năm 2016, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương đã được chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện theo những quy định tại các văn bản của Chính phủ và Bộ VHTTDL, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội. Lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương và đi vào nề nếp, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút du khách. Nhân dân nhận thức được ý nghĩa vai trò của lễ hội trong đời sống văn hoá tinh thần, từ đó có ý thức bảo tồn, góp phần chấn hưng văn hoá dân tộc thông qua việc giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp từ gia đình, dòng họ, quê hương và đất nước. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Các loại hình dịch vụ ăn nghỉ cho khách hành hương đã được cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ, đi vào nề nếp; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Các cấp chính quyền, cộng đồng ngày càng quan tâm sâu sắc trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, xây dựng tốt nếp sống văn hoá trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội. Bên cạnh đó, công tác tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày kỷ niệm các tỉnh, thành phố, các cấp, ngành trong thời gian qua được tổ chức theo quy định của Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; các hoạt động ngày kỷ niệm tại địa phương luôn bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chỉ đạo của Bộ VHTTDL về công tác tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm; kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương. Hoạt động tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn đã được tổ chức an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức, tạo được khí thế sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng về ngày kỷ niệm; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước, tạo khí thế cách mạng, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Nguồn: cinet.vn