Trước đó, sáng ngày 7/2/2017 (tức ngày 11 tháng giêng), tại làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà và vào ngày mồng 6 Tết Đinh Dậu tại làng An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cũng diễn ra Lễ hội cầu ngư với các nghi thức truyền thống với sự tham dự của hàng vạn người dân và du khách nội địa và quốc tế.
Theo truyền thống “tam niên đáo lệ”, tức ba năm một lần, mở hội lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Lễ hội cầu ngư được tổ chức với hai phần: Phần lễ chính là nghênh Thần hoàng quanh làng, lễ cầu an, chánh tế… tiếp đó là phần hội mà không gian diễn xướng được tổ chức trước sân đình và trên mặt nước phá Tam Giang. Ở các sân khấu ngoài trời, các bô lão, thanh thiếu niên… làng Thai Dương đều vào cuộc tham gia diễn trò cầu ngư như chèo thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán tôm cá... Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa dân gian như hát bộ, kéo co, phát khăn đỏ, đua ghe truyền thống trên phá Tam Giang... Tất cả cùng tái hiện một khung cảnh sinh động, nhộn nhịp của ngư dân vùng biển Thừa Thiên - Huế ước vọng một năm thuận buồm xuôi gió, ra khơi bội thu, mua may bắn đắt.
Việc duy trì tổ chức Lễ hội không những đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của ngư dân mà còn góp phần gìn giữ, làm phong phú thêm các loại hình văn hóa cổ truyền của dân tộc, thu hút khách du lịch đến với các vùng biển, đảo của Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Cầu Ngư là lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn không chỉ diễn ra ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mà còn được tổ chức ở nhiều tỉnh miền Trung và cả nước, nhằm tưởng nhớ đến công ơn người đi trước, cầu cho mưa thuận gió hòa, xuất quân ra khơi đánh cá, đồng thời tôn vinh nghề biển và ngư dân… |
Minh Hạnh