Để người thầy phát huy được vai trò quyết định chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
Theo cách hiểu “nửa chữ cũng là thầy, một chữ cũng là thầy”, trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, người thầy bao gồm giảng viên, giáo viên, đào tạo viên du lịch và cũng còn phải kể đến những người hướng dẫn kèm cặp tay nghề tại chỗ, dù họ được chỉ định làm hay tự nguyện. Trong văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và dạy nghề cũng quy định người dạy là nhà giáo, nhà khoa học, nghệ nhân, người có tay nghề cao; họ dạy lý thuyết, dạy thực hành hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
Sở dĩ cần thầy vì có người học. Nhu cầu học trong lĩnh vực du lịch rất lớn với dự báo đến năm 2015 ngành Du lịch cần ít nhất 500.000 lao động trực tiếp và 1,3 - 1,5 triệu lao động gián tiếp; đến năm 2020 cần ít nhất 750.000 lao động trực tiếp và trên 2 triệu lao động gián tiếp. Hiện nay, nước ta có khoảng 25 vạn lao động trực tiếp, trong đó chỉ mới dưới một nửa được đào tạo về du lịch, số còn lại đang được đào tạo hoặc tự đào tạo về du lịch.
Những yêu cầu đặt ra
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo mới và đào tạo lại lớn như vậy, vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế và đúng nhu cầu xã hội, đòi hỏi toàn Ngành phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đội ngũ người thầy đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm và tay nghề nhà giáo.
Một mặt, chính bản thân người thầy phải tự mình “lập trí, lập ngôn, lập thân và lập nghiệp” thông qua việc rèn luyện tư cách, phẩm chất nhà giáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chấp hành pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo, thường xuyên tự học, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Mỗi người thầy cần phải là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Cùng với việc thực hiện quyền của mình, nhà giáo phải thực hiện đúng và đủ những nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề, từ việc “phải giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục” đến “gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường”; từ “giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học” d?n “không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học”.
Một số khuyến nghị
Để người thầy giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện đồng bộ các khâu đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, đánh giá và sàng lọc đội ngũ nhà giáo hiện có, không để người dạy đứng nhầm lớp. Khẩn trương tiến hành điều tra, đánh giá, rà soát để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, phân loại để bố trí sử dụng hợp lý và giải quyết chế độ chính sách đối với số người dạy không đủ tiêu chuẩn.
Đào tạo, phát triển đội ngũ người thầy trong du lịch bằng nhiều hình thức, cả ở trong và ngoài nước; thuhút giảng viên là công chức, viên chức, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật lành nghề bậc cao; tăng cường đào tạo kỹ năng huấn luyện cho đội ngũ đào tạo viên và giám sát, thẩm định viên, đến năm 2010 hình thành cho được một đội ngũ 2.500 đào tạo viên thông qua Dự án EU. Trong lĩnh vực du lịch cần tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo du lịch quốc tế có uy tín để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, chất xám, kinh nghiệm, công nghệ đào tạo và đặc biệt là huy động các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các cơ sở đào tạo du lịch.
Trong thời hội nhập quốc tế sâu và toàn diện, cần nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho giảng viên, giáo viên và đào tạo viên để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia quốc tế và tham gia các khóa học tập ngoài nước. Thực hiện chế độ luân phiên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, giảng viên. Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo định kỳ cho đội ngũ nhà giáo và công chức, viên chức quản lý đào tạo du lịch với sự hỗ trợ của các trường sư phạm, các trường quản lý giáo dục đào tạo.
Để có cơ sở định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo, cần tiếp tục hoàn thiện, sớm trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nhân lực du lịch 2007-2015 và tầm nhìn 2020. Trong đó cần phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch toàn quốc, góp phần cơ cấu lại một cách hợp lý đội ngũ nhà giáo theo địa bàn lãnh thổ, bậc đào tạo và ngành nghề đào tạo, phù hợp với sự phát triển du lịch.
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên cần được quan tâm thích đáng hơn nữa. Việc giáo dục kiến thức sư phạm, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý đào tạo du lịch phải đi liền với việc tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức. Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển, thanh tra, kiểm tra tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, chất lượng làm việc của đội ngũ người thầy.
Bên cạnh việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, cần nghiên cứu, ban hành hoặc kiến nghị ban hành các chế độ ưu đãi đặc thù chuyên ngành Du lịch. Khuyến khích các thầy hợp tác, tư vấn hoặc làm việc ngoài giờ cho các doanh nghiệp để gắn lý thuyết với thực hành, để có điều kiện ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, gắn bó với doanh nghiệp để tìm nơi thực tập cho sinh viên và giới thiệu việc làm cho họ sau tốt nghiệp. Khuyến khích các trường từ dạy nghề đến cao đẳng, đại học về du lịch lập các cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo để học sinh, sinh viên có điều kiện thực hành và có thêm nguồn thu bổ sung kinh phí hoạt động cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và gắn giảng dạy lý thuyết với thực hành. Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học đầu Ngành trong nước, của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài để phục vụ công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và công chức, viên chức quản lý đào tạo du lịch.
Với truyền thống quý báu “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, với sự nỗ lực của ngành Du lịch và của chính bản thân đội ngũ nhà giáo, với sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, địa phương và doanh nghiệp thường xuyên chặt chẽ, đồng bộ và sự hưởng ứng, giám sát của xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên du lịch, chắc chắn việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch sẽ thành công.
TS. NGUYỄN VĂN LƯU