Mỗi di sản thế giới đều mang những giá trị đặc sắc và đương nhiên tạo ra yếu tố cần để cấu thành sản phẩm du lịch. Yếu tố đủ để có sản phẩm du lịch thu hút khách là sự nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường du lịch nhằm phát huy sức hấp dẫn của mỗi di sản phù hợp với từng đối tượng khách, từ đó có chương trình du lịch và tổ chức hoạt động liên quan phù hợp, có thể nhìn nhận trên những khía cạnh sau đây:
Về tiếp cận di sản
Khả năng tiếp cận của khách du lịch với di sản bao gồm:
Địa điểm có di sản hay giới thiệu di sản có thể dễ dàng tiếp cận hay không?
Giao thông trong khu vực di sản có thể dễ dàng tổ chức được các lộ trình tham quan hoặc kết nối với các điểm du lịch lân cận khác? Sử dụng các phương tiện di chuyển nào?
Bến đỗ cho các phương tiện giao thông vận chuyển khách du lịch có thuận tiện hay không?
Thời gian cho du khách tham quan hay thưởng thức biểu diễn có thuận lợi cho việc tổ chức chương trình du lịch hay không?
Trong các điểm có di sản thế giới ở Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám có đông lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Các điểm di sản thế giới còn lại đang cần tìm ra những giải pháp thu hút khách du lịch phù hợp với đặc điểm riêng. Lễ hội đền Gióng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hàng năm, như vậy cần có sự nghiên cứu và đầu tư tái hiện lại sự kiện để khách có thể tìm hiểu trong suốt cả mùa du lịch. Hát ca trù có thể tổ chức biểu diễn ở nhiều nơi hoặc lồng ghép với các chương trình biểu diễn nghệ thuật khác…
Yếu tố về dịch vụ
Nhân lực của đơn vị quản lý di sản, tổ chức khai thác giá trị di sản cần được trang bị kiến thức và những kỹ năng nhất định về dịch vụ du lịch để đảm bảo rằng du khách mua chương trình du lịch qua các công ty lữ hành hay trực tiếp đến tham quan các điểm du lịch có di sản sẽ không gặp phải trở ngại nào.
Công tác hướng dẫn, thuyết minh các đối tượng là di sản phải được chuẩn bị tốt và kỹ, tất cả các di sản thế giới đều chứa đựng những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử. Hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch tại điểm phải được trang bị kiến thức và cung cấp thông tin cho khách một cách đồng nhất.
Tại các khu vực có di sản thế giới cần có dịch vụ phục vụ du khách phong phú như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm… Những khách yêu thích chương trình du lịch văn hóa thường lựa chọn lưu trú tại các khu vực có nhiều di tích, nhiều khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đa dạng.
Về thông tin di sản
Chuẩn bị đầy đủ các thông tin liên quan như tài liệu bằng sách, băng, đĩa… phục vụ nhu cầu tìm hiểu khác nhau của du khách. Sử dụng công nghệ hình ảnh để tái tạo những hình ảnh và sự kiện lịch sử liên quan để du khách có thể hiểu được giá trị các di sản. Thông tin về các dịch vụ phục vụ tại điểm có di sản cần được cập nhật và dễ tìm kiếm.
Có nhiều yêu cầu đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy di sản, tuy nhiên cần có các nội quy được thông tin rộng rãi cho các hoạt động du lịch, thậm chí là những điều cần biết, cần làm, không nên làm dành cho du khách khi đến các điểm du lịch có di sản.
Quảng bá
Công tác quảng bá cho các di sản của thủ đô đang chủ yếu được thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự quan tâm đến việc quảng bá rộng rãi các di sản này tới khách du lịch. Cần có những chiến dịch quảng bá mang tính chuyên nghiệp với sự tham gia của cả cơ quan quản lý nhà nước và đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bằng những chương trình du lịch cụ thể đến với di sản. Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và một số công ty du lịch miền Trung đã rất thành công khi tạo ra sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” mặc dù thời gian đầu hết sức khó khăn trong việc thực hiện tour du lịch này.
Hệ thống hỗ trợ
Trước hết phải nói đến những chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch. Phát huy giá trị di sản thế giới trong hoạt động du lịch cần được đưa vào chiến lược, kế hoạch phát triển điểm đến một cách cụ thể.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương các cấp đưa ra những chính sách, quy định để cộng đồng dân cư ở khu vực có di sản nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản và phát triển du lịch.
Làm tốt công tác bảo vệ môi trường du lịch ở khu vực có di sản, không có bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, ăn xin…
Du lịch có trách nhiệm của các đơn vị khai thác di sản
Giá trị di sản được tạo ra trong quá khứ và tồn tại đến hiện tại, nhiệm vụ của những người liên quan đến khai thác giá trị đó là xác định rõ tầm quan trọng và truyển tải đến thế hệ hiện tại cũng như tương lai.
Đơn vị được giao quản lý di sản không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo tồn mà còn phải tích cực phát huy giá trị di sản.
Doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ trong khu vực có di sản, doanh nghiệp ngoài đưa khách đến tham quan cần được trang bị tốt kiến thức khai thác di sản, thực hiện du lịch có trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương trong khu vực có di sản; hướng dẫn du khách đến tham quan có trách nhiệm với di sản.
Công tác tổ chức khai thác di sản phục vụ du lịch
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đóng vai trò hướng dẫn, phối hợp các hoạt động của các điểm du lịch khác nhau trong Hà Nội. Các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành có trách nhiệm đưa các điểm di sản vào trong chương trình du lịch của đơn vị.
Nhìn chung, để có thể thực hiện được mục tiêu đưa các điểm có di sản thế giới thành điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, cần có những đề án phát triển du lịch cho từng địa điểm có di sản.
Di sản được UNESCO công nhận là tài sản vô giá để các đơn vị kinh doanh khai thác giá trị thành sản phẩm du lịch thu hút khách. Sự phối hợp đồng bộ, chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý và khai thác giá trị di sản của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đơn vị được giao quản lý di sản và doanh nghiệp du lịch là điều kiện để phát triển du lịch dựa vào giá trị di sản thế giới. |
Phùng Quang Thắng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)