Ngoài tập huấn cho lãnh đạo, các chuyên viên sở, ngành của những địa phương này, Dự án EU-ESRT (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ) còn xây dựng mô hình quản lý điểm đến (QLĐĐ) phù hợp với đặc thù vùng miền của những tỉnh, thành phố tại các khu vực trên để phát huy tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.
Theo mô hình một tổ chức QLĐĐ đa thành phần do Dự án EU-ESRT đề xuất, trong đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo nghề, cộng đồng địa phương cũng như các tổ chức liên quan khác.
Một Ban điều phối du lịch chung sẽ giúp xây dựng kế hoạch phát triển điểm đến một cách thống nhất, không chồng chéo, có tính liên kết và cùng phát triển. Ngoài ra, nó cũng gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao ý thức sở hữu và tham gia của địa phương vào công tác quản lý điểm đến, từ đó phát huy mọi nguồn lực tại địa phương.
Việc hình thành tổ chức QLĐĐ sẽ giúp phát triển du lịch ở cấp độ vùng một cách hiệu quả hơn; kết nối được các bên liên quan từ khu vực Nhà nước và tư nhân cùng tham gia nhằm thiết lập cơ chế đối thoại hợp tác công-tư ở cấp độ điểm đến không phụ thuộc vào địa giới hành chính (cấp tỉnh, huyện); tăng cường khả năng cạnh tranh của điểm đến ở cấp độ vùng/điểm đến và ở cấp độ quốc gia; phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.
Qua tư vấn của chuyên gia quốc tế, học tập kinh nghiệm từ một số mô hình QLĐĐ thành công trên thế giới, nghiên cứu và đánh giá các mô hình hợp tác thực tiễn tại các điểm đến ở Việt Nam, Dự án EU đã đề xuất mô hình Tổ chức QLĐĐ phù hợp nhất đối với từng vùng, trước mắt là ở các vùng ưu tiên hỗ trợ của Dự án EU, gồm 8 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang), 3 tỉnh duyên hải miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), 3 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang), 4 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).
Như vậy, để thúc đẩy du lịch, các địa phương trước hết cần thực hành du lịch có trách nhiệm, nghĩa là tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch dù là Nhà nước, doanh nghiệp hay người dân cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình để điểm đến thực sự phát triển lành mạnh, được khai thác hợp lý, bền vững, có trách nhiệm.
Ngoài ra, do ngành du lịch có tính xã hội hóa cao, nên để phát triển du lịch cũng cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các ngành như giao thông (phát triển tuyến đường bộ, tuyến đường hàng không), ngoại giao (chính sách về thị thực), đầu tư (chính sách ưu đãi đầu tư trong du lịch)… cũng như một khung pháp lý thuận lợi (Luật Du lịch).
Bước đầu các tổ chức QLĐĐ đã hình thành và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại các điểm đến ở 3 lĩnh vực chính: Xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm, quảng bá xúc tiến điểm đến và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Để nâng cao năng lực của các tổ chức này sẽ cần thời gian để nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn về QLĐĐ của các bên liên quan, cần sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước (Trung ương và địa phương) - doanh nghiệp du lịch - cộng đồng địa phương, cần sự ủng hộ của lãnh đạo các địa phương.
Nguồn: Baochinhphu.vn