Suy nghĩ về dự án trồng một tỷ cây xanh của Việt Nam, theo chị lĩnh vực giáo dục có thể đóng góp những gì trong quá trình thực hiện dự án này?
Những năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến nhiều thảm họa thiên tai với mức độ khốc liệt chưa từng thấy do biến đổi khí hậu. Những thảm họa đó chính là những hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ của thiên nhiên với loài người. Thức tỉnh và hành động kịp thời là tất cả những gì chúng ta cần làm trong thời điểm hiện tại. Dự án “Trồng một tỷ cây xanh” là một trong những dự án quan trọng và vô cùng thiết thực của Việt Nam nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, giúp cải thiện chất lượng không khí, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch xanh hấp dẫn.
Thực hiện dự án này, tôi cho rằng Giáo dục phải là lĩnh vực tiên phong. Để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đều thấm thía vai trò của cây xanh với cuộc sống, đều biết yêu thương những mầm cây, có khát vọng trồng và bảo vệ cây xanh chính là “quyền lực mềm” mà có lẽ chỉ giáo dục mới có được.
Nhận thức được điều đó, bộ sách “Khám phá thế giới thực vật & Chinh phục văn miêu tả cây cối” đã truyền tải một cách linh hoạt, bằng cả kiến thức khoa học cũng như bồi dưỡng về tâm hồn, nhằm hướng người đọc tới hành động bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường. Tham gia vào lớp học của thầy Khủng Long trong bộ sách, các em học sinh được tìm hiểu về vai trò của thực vật trong đời sống, tìm hiểu các thí nghiệm khoa học nhằm khơi mở “trí thông minh thực vật”, những thông tin thú vị về thực vật khắp nơi trên thế giới (ví dụ: cây cao nhất thế giới; sinh vật đơn thân lâu đời nhất hành tinh; bông hoa lớn nhất thế giới…), cũng như tri thức về một số loại thực vật bản địa quan trọng của Việt Nam (ví dụ: cây lúa, cây cà phê, cây vải, cây sen, cây tre…).
Từ đó, sách đưa ra dự án “Phủ xanh trái đất” nhằm khuyến khích các em học sinh nghĩ ra các ý tưởng để bảo vệ cây nói chung và hệ thực vật tại địa phương của mình nói riêng. Nhất là với những khu vực thường xuyên diễn ra nạn lâm tặc phá rừng tự nhiên và rừng phòng hộ ven biển, việc giáo dục nhận thức và thái độ cho trẻ em về thực vật còn có ý nghĩa lan toả tới cả cộng đồng. Từ các ý tưởng được phát động trong sách sẽ giúp chúng ta có được nhiều giải pháp trồng và bảo vệ cây xanh phù hợp với từng địa phương.
Có rất nhiều chương trình giáo dục ý thức về môi trường cho các em học sinh, tại sao chị lại chọn môn văn để lồng ghép nội dung này?
Môn văn là môn học hướng con người tới cái Chân – Thiện – Mĩ, vì vậy rất dễ tác động tới tâm hồn, tình cảm của người học. Đó cũng là lí do trong bộ sách này tôi lựa chọn tích hợp môn văn với những nội dung giáo dục về môi trường nhằm tăng tính hiệu quả. Cụ thể, bộ sách hướng dẫn kĩ năng viết văn tả cây cối – một thể loại văn gần gũi trong nhà trường phổ thông, có độ phủ rộng trong chương trình (từ lớp 2 đến lớp 6) được lồng ghép với nội dung giáo dục về môi trường khiến những nội dung này dễ dàng được lan tỏa hơn, đồng thời cũng trở nên mềm mại, uyển chuyển, dễ thuyết phục hơn.
Chị có thể chia sẻ rõ hơn về quy trình thực hiện dự án trồng cây trong bộ sách?
Để dẫn tới hoạt động trồng cây, bộ sách đã phải thực hiện theo một quy trình nhằm từng bước tác động tới người đọc:
Bước 1. Giúp HS hiểu và yêu mến cây cối (Tích hợp kiến thức văn học với khoa học, nông – lâm nghiệp, du lịch…)
Bước 2. Trang bị công cụ để học sinh bắt đầu tự tìm hiểu về thực vật (cách quan sát, tìm hiểu thực vật, các thí nghiệm khoa học về thực vật…)
Bước 3. Hướng dẫn học sinh viết về cây cối (Trang bị kĩ năng viết văn miêu tả cây cối như cách dùng từ ngữ miêu tả, cách lựa chọn kết cấu cho bài viết, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật… dựa trên sự hiểu biết và cảm xúc về thực vật.)
Bước 4. Thúc đẩy hành động trồng và bảo vệ cây xanh (Dự án “Phủ xanh Trái đất” – Phần 4, tập 2)
Với quy trình trên, trẻ sẽ được xây dựng kiến thức nền tảng về cây xanh và môi trường, hình thành tình yêu cây một cách tự nhiên. Điều đó giúp hoạt động trồng và bảo vệ cây thực sự đi vào đời sống và ý thức của mỗi người. Đồng thời phù hợp việc trang bị kiến thức để các em hiểu được ý nghĩa của chương trình trồng một tỷ cây xanh, xu hướng sống xanh, du lịch xanh, bền vững…
Chị có đề xuất gì trong việc triển khai bộ sách để Dự án trồng cây được lan tỏa tới cộng đồng?
Để bộ sách được phát huy hết vai trò và ý nghĩa với cộng đồng, tôi đã đề xuất dự án “Yêu cây” với mong muốn tặng sách tới các em học sinh ở những vùng cần bảo vệ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ ven biển. Song song với việc tặng sách, dự án đồng thời triển khai các buổi cùng trẻ đọc sách, phát động tổ chức “ngày hội cây xanh” trong trường học, tổ chức các cuộc thi viết sáng kiến bảo vệ cây tại mỗi địa phương, ghi chép về những chuyến du lịch xanh, du lịch trải nghiệm với rừng, viết bài thể hiện tình yêu cây theo những chủ đề đã được gợi mở trong bộ sách.
Để thực hiện được điều đó, chắc chắn “thầy Khủng Long” cần tới sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức quan tâm tới những vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn TS. Trần Thị Mai Phương!
“Trồng một cây xanh sẽ được một bóng mát. Nhưng gieo vào tâm hồn mỗi đứa trẻ hạt giống của tình yêu cây, chúng ta có thể sẽ có cả cánh rừng” – TS Trần Thị Mai Phương
|
Hiền Anh (t/h)