Tiềm năng du lịch MICE ở thành phố Phan Thiết
Thành phố Phan Thiết có các trục giao thông nối liền thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, là lợi thế để Phan Thiết trở thành đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, hàng loạt dự án giao thông đang triển khai đồng loạt và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới như cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tuyến đường nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xuống đường ĐT719B ven biển, sân bay Mũi Né... Đây sẽ là cú hích cho ngành Du lịch Phan Thiết, trong đó có du lịch MICE phát triển trong tương lai gần.
Phan Thiết sở hữu nhiều bãi biển có cảnh quan đẹp hấp dẫn du khách như: đồi Dương - Thương Chánh, bãi đá ông Địa, Hàm Tiến, hòn Rơm, đồi cát bay, làng chài Mũi Né, suối Tiên… Các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: chùa Bà Đức Sanh, đình làng Đức Thắng, đình Tú Luông, chùa Ông, chùa Phật Quang, tháp Chăm Pô Sah Inư, lầu Ông Hoàng, trường Dục Thanh - Phan Thiết, bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận…; các lễ hội truyền thống như Nghinh Ông, Cầu Ngư, Lễ hội Kate… và các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm độc đáo của dân tộc Chăm là điều kiện thuận lợi để Phan Thiết xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Phan Thiết là nơi tập trung hàng trăm khách sạn, resort nghỉ dưỡng từ bình dân đến cao cấp. Các cơ sở lưu trú du lịch liên tục được đầu tư, nâng cấp; các dịch vụ giải trí, ăn uống ngày càng đa dạng phục vụ nhiều món ăn truyền thống địa phương đặc sắc; không có hiện tượng “chặt chém” giá dịch vụ; hệ thống thông tin liên lạc thuận lợi hỗ trợ du khách khi đến du lịch tại địa phương.
Ngoài ra, điều kiện để tổ chức thành công du lịch MICE phải được diễn ra trong một môi trường an toàn, thuận lợi. Phan Thiết với tình hình an ninh chính trị tốt, ít tệ nạn xã hội; là khu vực kinh tế phát triển năng động, ổn định, thu nhập người dân ngày càng cải thiện, dân địa phương hiền hòa, thân thiện, mến khách… hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí về an ninh, an toàn của du lịch MICE.
Bình Thuận đã triển khai quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thủ tục đầu tư, chính sách và kế hoạch để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng đáng mơ ước với nhiều loại hình hấp dẫn như: du lịch biển và giải trí; du lịch thám hiểm và thể thao; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE).
|
Hạn chế đối với du lịch MICE tại Phan Thiết
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng loại hình du lịch MICE thành phố Phan Thiết vẫn còn những hạn chế. Hiện nay, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được điều kiện tổ chức du lịch MICE với quy mô lớn. Trong tổng số 317 cơ sở lưu trú đạt chuẩn tại Phan Thiết thì chỉ có 2 resort chuẩn 5 sao: Sealink Beach hotel & villa và Anantara Muine resort, gần 30 resort chuẩn 4 sao. Ngoài phòng họp tại SeaLinks City rerort sức chứa 800 khách, còn lại các resort khác phòng hội nghị không quá 300 khách. Các resort 4 sao thì đa phần chú trọng mảng lưu trú, phần hội nghị và các hoạt động liên quan đến MICE chưa thực sự được quan tâm. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hội nghị chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ quốc tế có sức chứa lớn trên 1.000 khách, hệ thống cơ sở du lịch chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như âm thanh, ánh sáng, wifi tốc độ cao, máy phiên dịch, các thiết bị truyền hình trực tiếp…
Phan Thiết còn thiếu các dịch vụ giải trí cao cấp, những khu phức hợp kèm giải trí, nghỉ dưỡng cũng như vui chơi giải trí tầm cỡ. Mặt khác, trong một thời gian dài, hướng kinh doanh tập trung vào thị trường khách Trung Quốc và Nga nên đã không chú trọng vào khách nội địa. Do đó, các doanh nghiệp du lịch gặp áp lực về địa điểm tổ chức sự kiện khi đến Phan Thiết vì thường xuyên hết phòng, giá tăng cao vào mùa khách quốc tế và mùa cao điểm.
Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE tại Phan Thiết còn hạn chế, thiếu lao động du lịch chuyên môn cao. Các resort chủ yếu sử dụng lao động địa phương, chỉ được đào tạo cơ bản để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đơn thuần; chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện lớn.
Thực tế cho thấy, hiện còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng, giải trí, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các nhà tổ chức event chuyên nghiệp… Phan Thiết cần có những đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, trực tiếp với các khách hàng, đối tác tiềm năng.
Sản phẩm du lịch của Phan Thiết tuy đa dạng, nhưng thiếu đồng bộ, chưa được phát huy hết lợi thế sẵn có; thiếu các điểm tham quan mang tính trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa địa phương. Các dịch vụ du lịch cao cấp như mua sắm, chăm sóc sức khỏe, hoạt động thám hiểm, hoạt động giải trí về đêm… hầu như chưa có.
Đẩy mạnh du lịch MICE tại thành phố Phan Thiết
Trong thời gian tới, để hoạt động du lịch nói chung, du lịch MICE nói riêng phát triển nhanh và bền vững hơn, thành phố Phan Thiết cần thực hiện các giải pháp: thu hút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên biệt cho du lịch MICE, đẩy mạnh công tác marketing…
Trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để tổ chức quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, xây dựng chiến lược phát triển du lịch MICE một cách đồng bộ từ các nguồn lực trong và ngoài nước. Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, các cơ sở lưu trú nên tiến hành nâng cấp và mở rộng các phòng họp, trung tâm hội nghị có sức chứa lớn từ 500 - 5.000 khách. Có thể phân ra thành các loại phòng có sức chứa linh hoạt, sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại đi kèm; đầu tư và nâng cấp các dịch vụ đi kèm như nhà hàng đạt chuẩn có sức chứa lớn, đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng cháy chữa cháy, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, điểm mua sắm cao cấp, khu vui chơi, giải trí…
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương nên thành lập ban chuyên đề du lịch MICE để phối hợp, liên kết các đơn vị tổ chức MICE trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá và xúc tiến để giới thiệu các sản phẩm mới, trong đó có loại hình du lịch MICE; tổ chức các đoàn famtrip cho các hãng lữ hành và presstrip cho phóng viên báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế tới khảo sát tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc thù của Phan Thiết, Bình Thuận…
Ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm… cho cho đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch MICE, việc học tập kinh nghiệm từ những địa phương thành công trong phát triển mô hình này như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, xa hơn là tại những nước dẫn đầu về công nghiệp MICE trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mỹ, Anh, Australia… cũng là giải pháp cần được tính tới. Mặt khác, cơ quan quản lý du lịch cần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quản trị du dịch MICE, quản trị dịch vụ thể thao và giải trí nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ trong tổ chức các chương trình MICE.
Với sự phát triển về cơ sở hạ tầng, chính sách thông thoáng và nhiều yếu tố thuận lợi khác, thành phố Phan Thiết có thể trở thành trung tâm du lịch MICE trong tương lai nếu từng bước khắc phục những hạn chế hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
1. BVHTTDL (2021). Phan Thiết sở hữu nhiều lợi thế trở thành thành phố du lịch MICE số 1. Link: https://bvhttdl.gov.vn/phan-thiet-so-huu-nhieu-loi-the-tro-thanh-thanh-pho-du-lich-miceso-1-20210323141219536.htm
2. Le, Thai Son & Ha, Nam KhanhGiao, 2014. Factors affecting MCI E tourism in Dalat City. Journal of Economic Development, 6: 9-20
3. Thủy Bích (2020). Bình Thuận: Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Link: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/33517...
Đỗ Tuấn Anh - TS. Quảng Đại Tuyên
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)