Tại Hàn Quốc, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc (1992-2017), TCDL tổ chức Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Seoul trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam 2017 tại Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Giao lưu nhân dân và mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã vượt mốc 50 tỷ USD vào năm 2015 và khách Hàn Quốc nhiều năm qua luôn nằm trong danh sách 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam, ước đạt hơn 2,5 triệu lượt trong năm 2017. Khách du lịch Việt Nam cũng rất yêu thích các điểm du lịch của Hàn Quốc và trong nhiều năm liền cũng là 1 trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Hàn Quốc, ước đạt trên 320.000 lượt khách trong năm 2017.
Chủ đề của Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2017 là "Việt Nam vẻ đẹp bất tận - trải nghiệm du lịch di sản, du lịch văn hóa và du lịch biển”. Tại chương trình, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch của Việt Nam, những thành tựu đã đạt được và đặc biệt là thông tin về chính sách thu hút khách du lịch và sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Hàn Quốc. Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc cho ông Lý Xương Căn (Lee Chang Kun).

Tại Vương quốc Oman, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thế giới về Du lịch và Văn hóa do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đồng chủ trì.
Phát biểu tại Đối thoại giữa các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước về “Du lịch, Văn hóa và Phát triển bền vững”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã kể câu chuyện về sự phát triển du lịch của Việt Nam trong những năm qua: Trước đây, nhiều người mới biết đến hình ảnh Việt Nam qua các cuộc chiến tranh, nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, về cả kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội. Về du lịch, năm 1994, Việt Nam mới đón 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đến năm 2016 đã đón trên 10 triệu lượt, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 26% so với năm 2015; năm 2017 dự báo tăng khoảng 30%.
Tại Đối thoại chuyên đề về Du lịch với vai trò kiến tạo hòa bình và thịnh vượng, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã nêu bật các điển hình tại Việt Nam và truyền đi thông điệp du lịch vì hòa bình: Trước đây, nhiều thanh niên từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc… đến Việt Nam vì cuộc chiến. Sau hàng chục năm, những cựu chiến binh quay trở lại những khu vực chiến trường xưa tại Việt Nam để hoài niệm, tìm sự bình yên trong tâm hồn. Quan trọng hơn, họ đóng góp vào việc xây dựng trường học, trạm xá, cải thiện đời sống, hỗ trợ sự phát triển của những người dân. Họ cũng mời gọi người thân, bạn bè đến đến Việt Nam để hiểu thêm về văn hóa, thưởng ngoạn những cảnh đẹp và chứng kiến, tham gia vào sự phát triển của đất nước. Du lịch đã góp phần đưa mọi người xích lại gần nhau, giảm căng thẳng, kiến tạo hòa bình và thịnh vượng.
Sự phát triển du lịch của Việt Nam đã được các nước quan tâm, chia sẻ như một câu chuyện thành công về phát triển du lịch góp phần thay đổi hình ảnh đất nước. Phát biểu tại phiên thảo luận, Ngài Taleb Rifai, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới nhấn mạnh: Việt Nam cùng với các nước khác là câu chuyện tiêu biểu về du lịch góp phần thay đổi hình ảnh đất nước, từ những hình ảnh nghèo đói, chiến tranh thành hình ảnh về vẻ đẹp của văn hóa, thiên nhiên, đất nước, con người, thu hút bạn bè quốc tế.

Tại Ấn Độ, đoàn công tác của TCDL do Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung dẫn đầu cùng sự tham gia của một số hãng lữ hành và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam đã tổ chức Chương trình phát động thị trường tại hai thành phố lớn của Ấn Độ là New Delhi và Mumbai.
Trong khuôn khổ Chương trình, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Du lịch Ấn Độ và Cơ quan Du lịch Mumbai để trao đổi về tình hình phát triển du lịch của mỗi nước và phương hướng hợp tác du lịch giữa hai bên trong thời gian tới. Đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ khẳng định vai trò và tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước và đưa ra nhiều đề xuất hợp tác mới như đào tạo nguồn nhân lực và cam kết tạo điều kiện tối đa để sớm khai thông đường bay thẳng giữa Delhi và thành phố Hồ Chí Minh của hãng hàng không Vietjet Air vào tháng 3/2018; đồng thời cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ Hiệp hội lữ hành Inbound đào tạo hướng dẫn viên tiếng Việt tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu của du khách Việt Nam. Cơ quan Du lịch Mumbai đề nghị phía Việt Nam tăng cường xúc tiến du lịch tại Ấn Độ và đề nghị hỗ trợ Ấn Độ xúc tiến du lịch tại Việt Nam. Hai bên thống nhất sẽ sớm triển khai một số hoạt động thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch như thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các thành phố lớn của hai nước; tổ chức các đoàn Famtrip và Presstrip để khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch và tìm kiếm đối tác.
Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam với sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Bộ Du lịch Ấn Độ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai được tổ chức tại thủ đô New Delhi (12/12) và TP. Mumbai (14/12) đã thu hút gần 300 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Ấn Độ tới tham dự. Thông qua Chương trình, các hãng lữ hành Ấn Độ đã được cung cấp bức tranh toàn cảnh về Du lịch Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc quảng bá tiềm năng du lịch biển, các khu nghỉ dưỡng sang trọng và các chính sách mới liên quan tới thủ tục xuất nhập cảnh dành cho du khách Ấn Độ. Các hãng lữ hành Ấn Độ tham dự chương trình đông, nhiệt tình trao đổi thông tin và khẳng định Việt Nam sẽ là một điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách Ấn Độ; với các sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng các chính sách cởi mở mà mới đây nhất là cho phép công dân Ấn Độ nhận thị thực điện tử khi du lịch Việt Nam, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý du lịch hai nước và các hãng lữ hành. Hạn chế lớn nhất cho sự tăng trưởng khách là chưa có kết nối hàng không thuận tiện giữa hai nước (hiện đường bay Hà Nội - Delhi phải quá cảnh 8 tiếng tại Bangkok).
HN