Từ thành phố Đồng Hới, tôi ngược ngàn theo con đường 20 - Quyết Thắng đến với Lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong. Lễ hội diễn ra hàng năm vào đầu mùa xuân tại bản Cà Roòng, vùng đất thiêng của người Ma Coong, khi cây lúa trên nương, cây bắp trên rẫy đã chín. Đây là một hoạt động tâm linh đã đồng hành cùng với người Ma Coong trên dãy Trường Sơn này từ rất lâu rồi, vừa để gọi lúa về, vừa để cầu cho mưa thuận gió hòa. Tiếng trống Ma Coong vang vọng núi rừng, người dân quan niệm năm nào trống vỡ nhanh thì năm đó nhất định sẽ được mùa to.
.JPG)
Huyền tích kể rằng, xưa kia ở bản của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ già với chiếc trống thần. Mỗi lần khỉ đánh trống thì bao nhiêu của cải, thóc lúa, ngô khoai của bà con dân bản chạy về nhà khỉ già hết, vì thế đời sống của người Ma Coong đói khổ triền miên. Vào đêm trăng sáng nhất, khi con khỉ già say ngủ chúa đất người Ma Coong liền sai người lẻn vào hang của khỉ lấy cắp chiếc trống thần mang về, lập bàn thờ Giàng, đốt lửa và nổi trống khiến con khỉ già phải rời khỏi vùng đất này, từ đó người Ma Coong được sống bình yên. Lễ hội đập trống cũng bắt đầu từ đó.
Trước đêm lễ hội diễn ra, từ sớm chưa tỏ mặt người, dù trời còn rét buốt, người đàn ông quyền lực nhất bản, đó là Trưởng bản Đinh Xon phải ôm lưới ra suối Cấm bắt cho bằng được 32 con cá, họ gọi đây là 32 con cá thần dùng để làm lễ cúng Giàng. Buổi sáng ngày diễn ra lễ hội, già bản Đinh Năng của bản Cà Roòng (chủ tế) dậy từ sớm, một mâm cơm cúng được chuẩn bị để ông làm lễ cúng động rừng và làm trống hội. Năm thanh niên nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhất bản được cử vào rừng Bụt, tìm chặt đủ 5 cây tre cật và 15 cây mây già để về làm trống. Trống của người Ma Coong rất đặc biệt, tang trống được làm từ một loại cây rừng rỗng ruột, có tuổi thọ trên chục năm. Chính vì thế tang trống của người Ma Coong là loại tang trống liền, được truyền từ đời này qua đời khác, chỉ khi nào hư hỏng thì mới phải thay mới. Được biết tang trống đang dùng hiện tại đã có tuổi thọ trên 100 năm. Mặt trống thì mỗi năm đều được thay mới trong mùa lễ hội. Trước đây, mặt trống được làm từ da của loài sơn dương rừng, nhưng ngày nay do loài vật này ngày càng ít đi, và bà con dân bản đã cam kết với Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là không săn bắt động vật quý hiếm nữa nên mặt trống được thay bằng da trâu.
Buổi tối, đến giờ làm lễ, trong chiếc lán được dựng sẵn từ trước, người ta bày biện 8 mâm lễ cúng nhỏ, mỗi mâm có 2 con gà để nguyên nội tạng, thể hiện sự chăn nuôi phát đạt, một nong xôi, thể hiện trồng trọt được mùa, một đọt mây rừng, đọt măng rừng, đọt cây đoác thể hiện sự kính trọng của dân làng đối với thần rừng. Già bản mặc chiếc váy màu đỏ có những sọc chỉ chạy dọc màu xanh lá cây, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, luôn đứng thẳng bất chấp mưa gió đại ngàn như cây rừng của người Ma Coong, đầu đội tóc giả xõa ngang vai và bắt đầu lễ cúng. Ông đốt những cây nến bằng sáp ong, ngọn lửa lung linh trong đêm huyền ảo. Giọng già bản khan khan trầm đục hòa lẫn với tiếng gió đại ngàn…
Sau khi cúng, khấn xong mấy hồi, già bản phát lệnh thế là đêm hội đập trống chính thức bắt đầu. Già bản cầm gậy mây đánh ba hồi trống khai hội, sau đó từng tốp thanh niên, trai bản ùa vào, rồi thì người lớn, trẻ nhỏ, khách đến tham quan cũng hòa vào đập trống, kể cả những bà con người Lào ở bên kia biên giới cũng vượt cả ngày đường để đến dự lễ hội. Mọi người vừa đập mạnh vào trống vừa vui vẻ hô lớn: “Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi” (sướng quá, vui quá trời ơi!). Trong lúc tiếng trống đang dồn vang, những cô gái chàng trai tìm kiếm, tặng quà, thì thầm trò chuyện làm quen. Từ lúc khai hội đến tầm nửa đêm, trai gái chủ yếu làm quen, trò chuyện, uống rượu hiêng và thay nhau đập trống. Họ đập mãnh liệt, thúc giục, liên hồi. Hàng ngàn ánh mắt đổ dồn về phía mặt trống. Mặt trống cứ thế rung lên bần bật và rồi… “bụp”, mặt trống rách toang. Cả ngàn con người đang hồi hộp ngóng chờ giây phút trống vỡ đứng lặng trong giây phút…
Thế rồi từng đôi, từng đôi nắm tay nhau dắt đi. Họ đi xuyên qua bóng tối, dắt nhau đến những gốc cây, hốc đá, những bãi đất trống bên bờ suối để tự tình. Đêm nay chỉ có họ biết với nhau. Những người ngày xưa không đến được với nhau thì sẽ tìm nhau, những người đang yêu đợi đêm hội này để đốt cháy tình yêu... Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, ngày của những chuyện tình dài như con suối trước bản… để rồi sáng hôm sau ai về nhà đó. Những người trẻ thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già bản đến nhà cô gái đặt lễ…
Sáng hôm sau, tôi rời bản Cà Roòng khi sương sớm còn vương trên ngọn cỏ. Đêm hội đã qua, nhưng dư âm tiếng trống và cả những lời ca tình tứ, dìu dặt vẫn còn vương vít trong tôi suốt nẻo đường về.
Người Ma Coong hiện có khoảng 300 hộ sinh sống rải rác ở 18 bản nằm dọc theo biên giới Việt - Lào của vùng Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
|
Bùi Hoàng
Tạp chí Du lịch