Bánh cốm từ lâu đã trở thành đại diện, thành biểu tượng ẩm thực của người Hà Nội. Chiếc bánh nhỏ xinh ấy có truyền thống từ cách đây gần 200 năm, khi cụ Trần Thị Luân, tức Trưởng Ái, người làng Yên Ninh, tổng Yên Thành nghĩ ra cách làm bánh cốm.
Chiếc bánh ra đời là để những người con Hà Nội đi xa vẫn có thể nhớ về quê cha đất tổ khi thưởng thức hương vị cốm, hay những lữ khách phương xa đến Hà Nội được ăn cốm theo cách thuận tiện hơn. Thế là bánh cốm ra đời, rồi phát triển đến ngày nay sau hơn hai thế kỷ không ngừng sáng tạo, cải tiến.
Bánh cốm ăn ngon nhất vào tháng Tám, khi gió mùa thu bắt đầu hiu hiu thổi thì cũng là lúc những hạt cốm Vòng thơm ngon nhất. Cầm chiếc bánh cốm trên tay quả thật không nỡ ăn. Khi bóc lớp vỏ, ruột bánh hiện ra xanh ngắt. Tôi vẫn nhớ như in ngày bé, khi có đám hỏi thì thứ được mong chờ nhất là chiếc bánh cốm. Cầm bánh cắn dè từng miếng nhỏ xíu, rồi đến khi lộ ra nhân bánh, tôi cố gắng ăn thật chậm để lâu hết. Bánh cốm tuổi thơ đong đầy tình yêu thương của cha mẹ, có tiền lại mua vài cái làm quà, thưởng cho con cái. Bánh cốm vẫn là thứ để ăn hương ăn hoa, nhưng hương vị thơm ngon cứ làm người ta muốn ăn hoài, ăn mãi.
Để làm ra chiếc bánh cốm thơm ngon ấy thật không đơn giản. Hỏi người làm bánh, họ cũng chỉ nói: Không dễ đâu. Cốm già được chọn kỹ để có những hạt chắc, chế biến rồi trộn với nước đem hấp cùng với đường và nước hoa bưởi. Đậu xanh làm nhân phải lựa cẩn thận, hấp chín rồi xay nhuyễn, cho thêm dừa nạo hoặc mứt sen, mứt bí. Bánh cốm phải có hình vuông vức, khi mở ra có hương thơm, ăn vào phải cảm nhận được mùi vị hòa quyện giữa cốm và nhân đậu xanh. Đó mới chính là bánh cốm đích thực của Hà Nội.
Bánh cốm xưa thường chỉ xuất hiện trong các lễ lạt, cưới hỏi của người Hà Nội. Ngày nay vẫn vậy nhưng bánh cốm đã trở thành thứ ăn chơi, làm quà biếu hay đơn giản là thứ để thể hiện tình cảm gia đình, bạn bè. Đơn giản vì bánh cốm quá ngon, ăn nhiều không ngán. Sự kết hợp giữa cốm hấp dẻo thơm và đậu xanh ngọt ngào đã làm say đắm lòng người.
Tôi nhớ chuyện một anh bạn người Nhật, vốn rất tự hào với nền ẩm thực của quê hương mình, nhưng đã bị thu hút bởi những thức quà độc đáo của Việt Nam. Anh bị ấn tượng bởi sự đơn giản mà tinh tế của món bánh cốm bình dị, đến nỗi mua rất nhiều để ăn và làm quà. Anh nói, bánh cốm khiến anh liên tưởng đến món bánh nấm truyền thống của quê anh, cũng nhờ đôi bàn tay tinh tế và kinh nghiệm mấy trăm năm để món đặc sản này có vị thơm ngon đến không ngờ, tuy vậy việc được ăn một món cốm rất riêng đã khiến người khách phương xa cảm mến nền ẩm thực độc đáo của Hà Nội, cũng như thêm hiểu hơn và yêu quý hơn con người Việt Nam.
Một đặc điểm của bánh cốm, cũng như nhiều thức quà khác là sự cải tiến theo thời gian. Tôi nhớ, độ hai chục năm trước đây thôi, bánh cốm vẫn bị nhiều người chê là ngọt quá, nhưng giờ tôi ăn bánh cốm của nhiều cửa hàng ở Hàng Than thì thấy độ ngọt rất vừa vặn. Những cửa hàng bánh cốm cũng biết cách gia giảm để vị của bánh hợp hơn với khẩu vị của số đông khách hàng. Đó cũng chính là lý do vì sao ẩm thực nước ta lại gây ấn tượng với du khách đến thế.
Như lời nhà văn Thạch Lam viết: “Bánh cốm là một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu”. Câu đó được viết vào thời kỳ đời sống của nhân dân vẫn chưa khấm khá, ai cũng coi bánh cốm là thứ gì đó sang trọng. Nhưng đến bây giờ, bánh cốm vẫn sang đó chứ, và tất nhiên vẫn ngon, thậm chí còn ngon hơn ngày xưa. Kỷ niệm ngọt ngào, ngon lành thuở nhỏ vẫn vẹn nguyên trong mỗi người Hà Nội, khi cầm chiếc bánh cốm trên tay.
ĐINH THÀNH TRUNG
Nguồn: Laodong.vn