Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP. HCM, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP. HCM và các vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, mang lại những kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch; trong đó, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được đánh giá cao, được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TP. HCM...
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống, trong đó ngành Du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Tổng khách du lịch đến TP. HCM năm 2020 đạt trên 17 triệu lượt, giảm trên 66%, trong đó khách quốc tế đến TP. HCM năm 2020 đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm gần 85% so với cùng kỳ.
Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt 27,7 triệu lượt, giảm trên 41% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng cho biết trong bối cảnh mới, ngành Du lịch TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại. Để sớm hồi phục, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP. HCM đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp thành phố đã khảo sát trong năm 2020.
Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn và nhất là phải bảo đảm cho du khách an toàn với COVID-19; sản phẩm du lịch bằng đường thuỷ kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hoá, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác…
“Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là thời cơ vàng để du lịch vùng giữa TP. HCM và ĐBSCL phục hồi và phát triển. Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh như thời gian qua, cùng quyết tâm của lãnh đạo các địa phương thể hiện bằng việc ký kết Quy chế phối hợp thực hiện thoả thuận trong hội nghị, sự chủ động, sáng tạo, kiên trì của cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp, du lịch của vùng sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối những điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực, thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.
Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp… để giữ chân du khách.
Ngoài ra đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực ĐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế. Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ TP. HCM, các tỉnh thành cần chú trọng khai thác khách đến Sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc).
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp cũng thống nhất tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển du lịch tại các tỉnh, thành liên kết.
PV