Với mong muốn hỗ trợ người dân có cơ hội phát triển du lịch, đồng thời tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc, một nhóm bạn trẻ đã về làng biển Cảnh Dương bắt tay thực hiện dự án “Bích họa tương lai”. Họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Dũng - người phụ trách nhóm cho biết, để thực hiện dự án, nhóm đã phải tìm kiếm tư liệu từ Nhà truyền thống làng Cảnh Dương, sưu tầm ảnh của một số nhiếp ảnh gia và nhận được sự góp ý về chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình. Bên cạnh đó, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ các nguồn xã hội hóa và từ Sở Du lịch Quảng Bình. Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay nhóm họa sỹ đã hoàn thành hơn 50 bức bích họa 3D vẽ trực tiếp lên tường nhà hay tường rào. Con đường tranh kéo dài 1.000m từ đình thờ Tổ đến gần khu vực làng nghề xã Cảnh Dương.
Ngắm nhìn những bức bích họa sống động, du khách sẽ cảm nhận được sự tỉ mỉ, kỳ công cũng như nhiệt huyết của những người tạo nên chúng. Con đường bích họa vẽ lại hành trình hình thành, phát triển của làng biển Cảnh Dương từ thời sơ khai cho đến ngày nay với bao biến đổi thăng trầm của thời gian, thời cuộc. Đó là hình ảnh pháo đài thép Cảnh Dương, hình ảnh dân quân du kích giương súng chiến đấu bên bờ tường rào, là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của làng chài ven biển... Du khách còn được chiêm ngưỡng những bức bích họa lột tả nét đẹp văn hóa truyền thống của làng biển (Lễ hội đua thuyền trên sông Loan, Lễ hội cầu ngư…); những bức bích họa vẽ các loài cá, tôm, ốc, rong rêu, san hô… và những câu chuyện cổ tích gắn liền với biển cả. Những bức tranh đã để lại trong tâm trí du khách ấn tượng đẹp về vùng đất, con người, truyền thống lịch sử - văn hóa của làng biển Cảnh Dương.
Cũng trên cung đường bích họa, du khách có thể tham quan đình thờ Tổ, Linh Ngư Miếu, những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô phủ màu rêu xanh. Về Cảnh Dương, du khách còn có dịp trải nghiệm cuộc sống của người dân làng biển, tìm hiểu nghề truyền thống như chài lưới, làm nước mắm, hải sản khô…; thưởng thức những món hải sản tôm, cá, mực, ốc… Vào dịp lễ tết, du khách sẽ được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống đặc sắc với tục truyền lửa vào đêm giao thừa tại đình thờ Tổ, Lễ hội cầu ngư vào rằm tháng giêng, trò chơi cờ người, nghe những làn điệu hát ru của các nghệ nhân chính là đàn ông... Hiện nay, Cảnh Dương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn rất tốt nên việc kết hợp tham quan cung đường bích họa Cảnh Dương với nhiều điểm đến lân cận như Vũng Chùa - đảo Yến, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đèo Ngang, Đá Nhảy, Cồn Cát… cũng dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Từ khi khoác lên mình “màu áo mới”, làng Cảnh Dương đã trở thành điểm thu hút du khách, nhất là các bạn trẻ ưa thích khám phá và check-in những điểm đến mới lạ. Sở Du lịch Quảng Bình đã chọn Cảnh Dương là làng du lịch kiểu mẫu nằm trong tuyến du lịch Công viên thuyền thúng chạy dọc bờ biển huyện Quảng Trạch.
Bài: Lê Như Ý
Ảnh: Bùi Xuân Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)