Làng nghề Bát Tràng - nhiều điều cần khám phá
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 12km, làng gốm sứ Bát Tràng được xem là một trong những tuyến du lịch trọng tâm của Hà Nội. Gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của Thăng Long – Hà Nội, xã Bát Tràng còn giữ nhiều nét độc đáo của một làng gốm cổ Hà Nội.
Trong chương trình khảo sát, các đại biểu đến tham quan nét cổ kính của làng gốm cổ Bát Tràng tồn tại trên 500 năm. Qua những con đường nhỏ, được lát gạch sạch sẽ, những bức tường được xây bằng những viên gạch cổ, cùng những dấu tích của than bùn nắm trên tường trước đây phơi khô, được dùng để đốt lò. Dấu xưa của làng cổ Bát Tràng còn là những cổng nhà, tường rào phủ rêu phong, in đậm dấu ấn thời gian. Nổi bật là những ngôi nhà cổ mang đậm nét truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu là ngôi nhà của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, con thứ của nhà văn Kim Lân. Trong khuôn viên nhà có giếng trời, nơi nghe nhạc, nơi thờ cúng tổ tiên, không gian để sập, trường kỷ, có không gian hội thảo, nói chuyện về văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực. Nổi bật nhất phải kể đến các tủ và không gian trưng bày các sản phẩm gốm truyền thống, tiêu biểu như chân đèn gốm, lư hương, đỉnh, bát đĩa, các loại lọ, nậm rượu, bình vôi… trong số đó có không ít những cổ vật đã tồn tại hàng trăm năm đến nghìn năm. Không xa, có ngôi nhà được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ 20 với kiến trúc đặc biệt, là nơi dành cho các nghệ sỹ sản xuất gốm sáng tạo, vẽ tranh, mang đậm dấu ấn một thời kỳ phát triển của làng gốm Bát Tràng.
Trong hành trình khám phá làng nghề Bát Tràng, các đại biểu được tìm hiểu các công đoạn làm gốm truyền thống, trực tiếp ngắm nhìn lò Bầu cổ Bát Tràng ra đời cuối thế kỷ 19. Lò bầu cổ là lò nung gốm sử dụng củi để đun đốt. Theo đường dẫn, khách lần lượt vào bên trong lò gốm khám phá cách đặt sản phẩm gốm trong lò, ngắm nhìn lớp gạch của lò đã thành sành do nung đốt nhiều lần. Để hiểu sâu thêm các sản phẩm gốm truyền thống, các đại biểu được ngắm nhìn tác phẩm Chóe gốm “Dâng hiến” của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn, tác phẩm được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là độc bản vào năm 2018. Ngoài ra, Bảo tàng gốm Bát Tràng cũng là điểm dừng chân của các đại biểu, nơi đây với kiến trúc độc đáo, được xây dựng bằng gạch nung và ngói Bát Tràng đã tạo nên nét riêng, đến đây khách hiểu sâu hơn về nghề gốm truyền thống, lịch sử ra đời, sự phát triển, cùng các nghệ nhân đã góp phần tạo nên thương hiệu gốm Bát Tràng nổi tiếng.
Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, bên cạnh truyền thống làng nghề, nền văn hóa lâu đời của xã Bát Tràng mang những nét đặc trưng như hội làng, các phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống độc đáo. Đó là lợi thế để Bát Tràng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm. Ông Khôi cho hay, sau khi Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch, số lượng khách đến đây trải nghiệm tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp ba so với trước. UBND xã Bát Tràng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống như: Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh; thực hiện tôn tạo, bảo tồn nhiều di tích, gồm có đình, văn chỉ Bát Tràng; khu lò bầu cổ, nhà nghệ nhân. “Cho đến nay, Bát Tràng có các sản phẩm du lịch tham quan, mua sắm; tham quan, học tập kinh nghiệm về nghề gốm với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất; trải nghiệm làm nghề gốm; tham quan kiến trúc làng cổ, nhà cổ; thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm làm bữa ăn truyền thống” ông Khôi cho biết.
Cần quy hoạch, xây dựng sản phẩm khác biệt với nhiều hoạt động trải nghiệm
Tại hội nghị “Nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng”, các đại biểu đã đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch Bát Tràng, đề cập những tồn tại, bất cập và những đề xuất trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế, đặc biệt là trước bối cảnh Việt Nam chuẩn bị mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3 tới.
Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho hay, qua khảo sát cho thấy điểm yếu của du lịch Bát Tràng là các điểm đến hấp dẫn nằm khá rải rác, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến. Ngoài ra, dù đã có tuyến xe buýt đi từ nội thành đến Bát Tràng nhưng để thu hút du khách hơn, Bát Tràng cần có thêm nhiều tuyến xe buýt du lịch chất lượng. Ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, để nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, Tổng Công ty du lịch Hà Nội (Hanoitoursit) sẵn sàng phối hợp với UBND xã Bát Tràng xây dựng thêm các sản phẩm du lịch của Bát Tràng, dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế - Hà Nội VITM 2022 diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4 tới. “Bên cạnh đó, để xây dựng Bát Tràng là điểm đến hấp dẫn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực về thuyết minh, hướng dẫn viên, ẩm thực, cần có đội ngũ quản lý điểm đến chuyên nghiệp”, ông Thắng kiến nghị.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Thủy, cần phải nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, hiện nay hoạt động vận chuyển khách từ nội thành đến Bát Tràng còn gặp khó khăn do thiếu tính kết nối giữa đơn vị vận chuyển với địa phương. “Nếu địa phương có phương án đón khách, đơn vị sẵn sàng tổ chức thêm tuyến xe buýt du lịch 2 tầng từ nội thành Hà Nội tham quan Bát Tràng”, ông Nguyễn Thủy cho hay.
Đề cập đến các giải pháp phát triển du lịch Bát Tràng hình thành sản phẩm hấp dẫn của du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, Bát Tràng cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng. tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận cũng như cần chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế. Cần quan tâm xây dựng bộ nhận diện, biển chỉ dẫn, lựa chọn xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tạo sự khác biệt, tăng cường sự kết nối các điểm dừng. Chú trọng việc xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng, cần nghiên cứu các đối tượng khách, xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch đạt chuẩn như dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, tạo cho khách có những trải nghiệm khác nhau, không nhàm chán. Ngoài ra, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; cần quan tâm, xử lý vấn đề bụi, ồn, phát triển du lịch mang tính bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện đã có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, trong đó có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch. Tới đây, địa phương sẽ quan tâm đến việc phối hợp với các đơn vị để trước mắt hình thành sản phẩm du lịch mới, sẵn sàng cho việc đón khách nội địa và quốc tế khi hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn.
Tuấn Hải