Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố
Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách du lịch chủ yếu của khu vực phía Bắc. Trong những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết chương trình hợp tác, phát triển du lịch với ngành du lịch của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đánh giá lại chương trình hợp tác liên kết vừa qua, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết 09 chương trình hợp tác, phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trên cơ sở hợp tác, Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương tổ chức quảng bá văn hóa – du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, như các chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”, “Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội”, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, Ngày Văn hóa Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội”... cùng nhiều hoạt động khác.
Sở Du lịch Hà Nội đã đóng vai trò cầu nối để doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân làm du lịch có dịp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi để tìm ra giải pháp, xây dựng tour tuyến du lịch phù hợp với từng thị trường khách. Khi Hà Nội quảng bá trên kênh CNN cũng đã lồng ghép các điểm du lịch của các tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước để làm nổi bật vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Thông qua các hoạt động, liên kết hợp tác hiệu quả, đã góp phần cho ngành Du lịch Thủ đô đạt được các kết quả tăng trưởng tốt cả về lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch. Trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có mức tăng bình quân 21,2%/năm. Năm 2019, Hà Nội đã đón 28,945 triệu lượt khách, trong đó có 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có mức tăng bình quân đạt 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã đánh giá hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian qua còn chưa xứng với tiềm năng liên kết vùng giữa các địa phương. Sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những khác biệt về lợi thế, sản phẩm giữa các địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Liên kết phải được trực tiếp thực hiện bởi các doanh nghiệp, liên kết sản phẩm cùng chương trình cụ thể, giá cả cụ thể.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Du lịch Hà Nội và các Sở Du lịch/Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố giai đoạn tiếp theo:
Tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) và các khu, điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước; tăng cường hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương (như phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành nâng cấp các tour du lịch cụ thể hoàn chỉnh kết nối các điểm đến du lịch của Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh, tổ chức quảng bá rộng rãi thu hút khách du lịch dịp Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức tại Ninh Bình).
Các địa phương liên kết, hợp tác triển khai hiệu quả Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và các hoạt động kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động để cùng thúc đẩy thu hút khách du lịch từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.
Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch điều phối liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố gồm: Chương trình tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; Chương trình hợp tác quảng bá du lịch, tham gia hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực có tính chất liên thông các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ xây dựng thành công một số sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh và đặc thù của mỗi tỉnh, thành phố và kết nối sản phẩm du lịch giữa Hà Nội đến các địa phương.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch Hà Nội nghiên cứu mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành phố.
Phối hợp xây dựng, phát hành, quảng bá, sử dụng các ẩn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố. Hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu du lịch các tỉnh, thành phố trên cổng thông tin điện tử, các kênh truyền thông của Hà Nội.
Phối hợp tổ chức đón các đoàn khảo sát lữ hành, báo chí đến khảo sát điểm đến để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới liên kết giữa Hà Nội và các địa phương.
Hợp tác xúc tiến trao đổi khách du lịch giữa Thủ đô Hà Nội và các địa phương bạn thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp du lịch; mời và tham gia hội chợ du lịch và sự kiện du lịch lớn do Thủ đô Hà Nội hoặc địa phương bạn tổ chức.
Phát huy vai trò của các Hiệp hội về du lịch và các Hiệp hội nghề nghiệp khác để liên kết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch giữa các địa phương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Thị Thanh Hương, trong điều kiện hiện nay, khi các địa phương vừa phải phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc hợp tác, liên minh và liên kết kích cầu du lịch càng giữ vai trò quan trọng hơn; nhằm mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, quảng bá du lịch các địa phương, thúc đẩy người dân đi du lịch trong nước, góp phần xây dựng thị trường du lịch nội địa bền vững, sôi động.
“Với vai trò là trọng điểm du lịch, vừa là một điểm đến, vừa là thị trường nguồn khách quan trọng của cả nước, sự hồi phục của du lịch Hà Nội có tác động lan tỏa, kích thích du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng đã hình thành” - Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương, tránh tình trạng du khách “đi một tỉnh, biết cả vùng”, không để các địa phương “dẫm chân nhau”. Các tỉnh, thành phố cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo kết nối giữa các địa phương trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch của các địa phương.
Nhâm Hiền