Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 25.600 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2016) với 508.000 buồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có 120 cơ sở 5 sao, 262 cơ sở 4 sao, 488 cơ sở 3 sao. Trong năm 2017, nhiều tập đoàn (Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, Empire…) tiếp tục đầu tư các dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch tại các thành phố và trung tâm du lịch, điểm đến du lịch, đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn các địa phương theo chiều hướng tích cực. Nhiều hệ thống các cơ sở lưu trú có cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ, đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự cạnh tranh trong khu vực, các khách sạn nói riêng và khối cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức; đòi hỏi có sự tham gia hợp lực, phối hợp chặt chẽ của các bên tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó có vai trò lớn của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa đã nêu rõ một số chính sách phát triển Du lịch Việt Nam và định hướng đầu tư khách sạn trong thời gian tới với trọng tâm là phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi và đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đó là, tập trung đầu tư các cơ sở lưu trú cao cấp, resort nghỉ dưỡng, khách sạn từ 3 - 5 sao tại các khu, điểm, đô thị du lịch trọng điểm; nâng cao tỷ trọng cơ sở lưu trú đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng, đặc biệt là những khu du lịch biển có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế và các trung tâm đô thị lớn với vai trò trung chuyển khách và trung tâm thu hút khách; mở rộng hướng sang phát triển các loại hình cơ sở lưu trú thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu xây dựng sinh thái, địa phương, tiết kiệm năng lượng; các loại hình bungalow, lều trại và các nhà nghỉ dưỡng được xây dựng gần gũi với thiên nhiên và thích ứng được với biến đổi khí hậu; mở rộng phát triển các loại hình lưu trú mới gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tăng cường các mối liên kết trong cung cấp dịch vụ lưu trú; tăng cường phát triển nhân lực để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch; đẩy mạnh đào tạo và công nhận kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN; đầu tư xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch phù hợp, hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; tiếp tục thực hiện chương trình chiến dịch kiểm tra, rà soát, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú luôn là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Trong các phiên thảo luận cũng tập trung vào một số vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: “Đầu tư vào Condotels và bất động sản nghỉ dưỡng - Mức độ hấp dẫn thực sự như thế nào?”; “Thị trường và nhà đầu tư được hưởng lợi gì khi Việt Nam ngày càng có nhiều thương hiệu khách sạn mới và các giám đốc điều hành quốc tế”… Bà Fenady Uriarte - Giám đốc Phát triển kinh doanh Đông Nam Á (STR) đã phân tích và so sánh hiệu quả kinh doanh của khách sạn Việt Nam với các nước Đông Nam Á, đồng thời nêu ra những triển vọng và xu hướng phát triển trong lĩnh vực khách sạn của Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong những năm qua; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, liên kết về du lịch chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú, du lịch lữ hành và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Thu Hương