Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng thông tấn báo chí trong cả nước.
Việt Nam có hệ thống đường sắt khá phong phú với chiều dài 2600km, trong đó một số hệ thống đường sắt phát triển mạnh và đã có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động du lịch như: tuyến Bắc Nam, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh, Sài Gòn – Nha Trang, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Nam Ninh nối liền Việt Nam với Trung Quốc cũng như các nước Trung Á và châu Âu. Gần đây, lượng khách đi du lịch bằng đường sắt có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là khách du lịch tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sapa. Tuyến đường sắt Hà Nội – Nam Ninh đang được Đường sắt Việt Nam và Đường sắt Trung Quốc hợp tác khai thác với các chuyến tàu thường xuyên, hứa hẹn là một tuyến đường quan trọng đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian qua ngành Đường sắt Việt Nam đã thường xuyên đầu tư, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ trên các chuyến tàu, tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế là chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách đặc biệt là du khách quốc tế. So với các nước phát triển du lịch, du lịch đường sắt nước ta nhìn chung còn chậm phát triển. Hạ tầng giao thông đường sắt (nền đường, khổ đường) hạn chế khiến tốc độ chạy tàu chậm so với các phương tiện giao thông khác, chất lượng dịch vụ trên các đoàn tàu du lịch còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt còn lỏng lẻo, các quy định pháp luật và chính sách phát triển Ngành chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai ngành phối hợp triển khai kinh doanh. Vì thế, lượng du khách lựa chọn đi du lịch bằng đường sắt đạt tỷ lệ thấp so với các phương tiện giao thông khác.
![](/FileManager/mypicture/DLduongsat.jpg)
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo
|
Tại hội thảo, các đại biểu đã phản ánh thực trạng của du lịch đường sắt, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hữu ích nhằm góp phần cải thiện những vấn đề còn tồn tại. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, du lịch đường sắt có nhiều tiềm năng để phát triển do có một bộ phận du khách muốn đi du lịch bằng tàu này để tiết kiệm thời gian buổi tối, mặt khác họ muốn trải nghiệm cảm giác khác biệt so với các phương tiện giao thông thông dụng khác như máy bay, ô tô… Để thu hút khách du lịch, ngành Đường sắt cần đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ trên các đoàn tàu, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo giờ chạy đúng quy định, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại hơn, điều chỉnh giá vé phù hợp, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu văn minh, thân thiện, hiểu biết, có trình độ ngoại ngữ… Bằng kinh nghiệm thực tế và những hiểu biết sâu rộng về tâm lý, thị hiếu du khách, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng chia sẻ, “bắt tay” với ngành Đường sắt để tạo ra những sản phẩm du lịch đường sắt hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: sau hội thảo, ngành Đường sắt và ngành Du lịch sẽ tăng cường đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác nhằm từng bước khai thác, phát triển loại hình du lịch đường sắt một cách hiệu quả hơn.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã thiết kế cho các đại biểu tham gia hội thảo chuyến đi từ Hà Nội về Nam Định (và ngược lại) bằng phương tiện đường sắt để giúp những người hoạt động trong ngành Du lịch tiếp cận gần hơn loại hình du lịch đường sắt. Đồng thời, các đại biểu đã có chuyến khảo sát đến một số điểm du lịch nổi tiếng của Nam Định, đây cũng là những địa chỉ mà du khách có thể tham quan khi lựa chọn tuyến du lịch đường sắt về Nam Định./.
Phương Thảo