Huyện Tu Mơ Rông được thành lập từ tháng 6/2005, trên cơ sở tách ra từ huyện Đắk Tô, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Huyện hiện sở hữu kho bảo tàng văn hóa cùng các lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống như: Lễ bắc máng nước, Lễ ăn lúa mới, Lễ cúng lúa kho, mừng nhà mới. Trong những năm gần đây, huyện đã liên tục tổ chức các hoạt động Liên hoan cồng chiêng, Liên hoan văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng...
Về phát triển du lịch, Tu Mơ Rông là điểm du lịch phù hợp cho những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, trong đó có thể kể đến thác nước đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông hùng vĩ ở xã Đắk Na, hồ thủy điện Đắk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na, hồ Ba Khen ở xã Văn Xuôi. Bên cạnh đó, huyện có nhiều điểm đến mang lại trải nghiệm thú vị khác như: du lịch cộng đồng thôn Pu Tá, xã Măng Ri; tham quan vườn sâm, vườn dược liệu ở trên những đỉnh núi cao; di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại Măng Ri.
Huyện Tu Mơ Rông định hướng phát triển 2 sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm vườn dược liệu quanh năm, du lịch trải nghiệm văn hóa và thưởng thức văn hóa ẩm thực người Xơ Đăng. Đồng thời, huyện còn liên kết, phối hợp với huyện Nam Trà Mi kết nối tour trải nghiệm vùng “quốc bảo” từ Quảng Nam và các tỉnh miền Trung; kết nối tour với khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen; kết nối tour từ Thành phố Kon Tum – Đắk Tô - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và ngược lại.
Về dược liệu, Tu Mơ Rông được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ quanh năm, có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ của rừng chiếm gần 67 % phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của các loại cây dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm...
Bên cạnh chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, du lịch huyện Tu Mơ Rông còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, mong muốn Tổng cục Du lịch cùng đồng hành tháo gỡ những khó khăn. Trong đó, có những vướng mắc về việc công nhận điểm du lịch cho huyện, quy hoạch du lịch, phân khúc khách du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao ý thức của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch…
Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, đơn vị Tổng cục Du lịch cho rằng, để phát triển du lịch, Tu Mơ Rông nên chọn loại hình du lịch thể thao như tổ chức giải chạy, gắn với du lịch sức khỏe; tập trung vào các dòng sản phẩm lợi thế, không chọn những loại hình du lịch đại trà; cần xây dựng kế hoạch, báo cáo, đề xuất với sự vào cuộc của các chuyên gia nhằm xác định sản phẩm, tour, tuyến đặc sắc; đẩy mạnh xúc tiến du lịch qua hình ảnh, clip để quảng bá sâu rộng, tạo ấn tượng đến du khách…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao tinh thần cầu thị, quyết tâm phát triển du lịch của huyện Tu Mơ Rông. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, buổi làm việc đã có sự trao đổi thiết thực, thấy rõ được tiềm năng, dư địa phát triển của Tu Mơ Rông, tuy nhiên nhiều giá trị chưa được khai thác, đặc biệt là gắn với sâm Ngọc Linh và loại hình sinh thái đặc thù. Những nỗ lực của huyện trong việc phát triển du lịch đã đi đúng hướng; nhiều điểm, tài nguyên du lịch đang được đánh thức nếu huyện biết tổ chức và khai thác đúng cách các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Từ nhận định trên cùng đề xuất của huyện, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum quan tâm, hỗ trợ công nhận ít nhất 1, 2 điểm du lịch hấp dẫn của Tu Mơ Rông; hướng dẫn, hỗ trợ huyện có đề án phát triển du lịch, chỉ ra những dự án cụ thể; đồng thời, lồng ghép chương trình, dự án hiện có của tỉnh vào huyện như: nông thôn mới, dân tộc miền núi, văn hóa… Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ huyện và tỉnh xây dựng clip quảng bá giới thiệu Kon Tum trong đó tiêu điểm là Tu Mơ Rông; tổ chức khóa tập huấn, đoàn famtrip, có chương trình về tam giác phát triển gắn với các nước lân cận; kêu gọi nhà đầu tư phát triển về du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe gắn với sâm Ngọc Linh và cộng đồng người dân Xơ Đăng. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu kỳ vọng đề án sẽ định hình ra bước phát triển trong 5 năm tới của Tu Mơ Rông.
Thảo Anh