TRẦN QUỐC TUẤN (1226 - 1300), tức Hưng Đạo Vương, sinh năm Bính Tuất, quê Nam Định, anh hùng dân tộc, nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất. Năm 1258, ông được vua Trần Thái Tông cử làm Tiết chế, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi. Năm 1284, quân Nguyên chuẩn bị xâm lược lần thứ hai, ông lại được cử làm Tiết chế Quốc công thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng 5/1285, ông ra lệnh tổng phản công, thắng lớn ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương. Năm 1288, quân Nguyên sang xâm lược lần thứ ba, ông quyết định đánh chúng trên sông Bạch Đằng. Tháng 4/1288, thủy quân giặc bị tiêu diệt, bộ binh bị truy đuổi đến biên giới, kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Ông được vua Trần phong tước Đại Vương và nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.
TRẦN KHÁT CHÂN (1370 - 1399) sinh năm Canh Tuất, quê Thanh Hóa, danh tướng nhà Trần, con cháu của Trần Bình Trọng. Năm 1388, ông đỗ Thái học sinh. Năm 1389, Thăng Long bị quân Chiêm thành đánh chiếm, Trần Khát Chân được cử đem quân đi chặn quân giặc. Tháng 1/1390, ông đã đánh thắng và giết chết vua Chiêm. Sau thắng trận, Trần Khát Chân được vua phong chức Long Tiệp Phụng thần Nội vệ Thượng tướng. Năm 1399, Hồ Quý Ly có ý muốn chiếm đoạt nhà Trần nên đã giết chết Trần Thuận Tông. Trần Khát Chân cùng các quan trong triều bàn cách giết chết Hồ Quý Ly, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được thì bị bại lộ. Ông cùng 370 người liên quan đều bị tịch thu tài sản và giết chết.
MẠC THIÊN TỨ (1706 - 1780) sinh năm Bính Tuất, quê Kiên Giang, danh sỹ, người mở mang trấn Hà Tiên. Ông tính cương nghị, đa tài, nối nghiệp cha tận tụy phò giúp chúa Nguyễn, được thăng tới Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền Tây Nam Bộ, là tác giả “Hà Tiên thập vịnh” và là người lập Chiêu Anh Cát. Mạc Thiên Tứ còn là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thơ ca, nghệ thuật, triết luận.
NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778 - 1858) sinh năm Mậu Tuất, quê Hà Tĩnh, danh sỹ thời Nguyễn, được cử làm Doanh điền sứ, tổ chức khai hoang, lập nên huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Năm 1840, Nguyễn Công Trứ về Huế làm Đô ngự sử, rồi Tham tri bộ Binh. Tháng 10/1858, giặc Pháp tấn công Đà Nẵng. Tuy đã 80 tuổi, ông vẫn viết đơn xin cầm quân đánh giặc. Tháng 12/1858, ông từ trần. Tính khảng khái, quyết liệt, lại đa tình mà hài hước cùng cuộc sống thăng trầm của ông đã để lại nhiều giai thoại thú vị.
NGUYỄN TUÂN (1910 - 1987) sinh năm Canh Tuất, quê Hà Nội, là nhà văn hiện đại. Ông bước vào làng báo (Đông Tây nhật tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật…) rồi vào làng văn bằng hàng loạt truyện ngắn như Chữ người tử tù, Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm, Thả thơ… in trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Tao đàn. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và để lại các tác phẩm nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút kháng chiến, Tùy bút sông Đà…
ĐỖ NHUẬN (1922 - 1991) sinh năm Nhâm Tuất, quê Hải Dương, là nhạc sỹ, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Năm 17 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Trưng Vương, tiếp theo là Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc… Năm 1941, ông tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, ông bị Pháp bắt giam vào nhà lao Hải Dương rồi đưa lên Hỏa Lò, và sau bị đày lên Sơn La. Thời gian trong tù, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách mạng. Ông là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên viết opera với vở Cô Sao (1965). Đỗ Nhuận đã để lại hơn 100 ca khúc nổi tiếng như Du kích sông Thao, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Đoàn lữ nhạc, Hành quân xa, Trông cây lại nhớ đến Người…
Diệu Lan (tổng hợp)
Tạp chí Du lịch