Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) được tổ chức từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, được xem là lễ hội có lượng du khách đông nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần; cũng là sự hồi ảnh của tập tục cổ, sau những ngày nghỉ tết bắt đầu từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Ngoài phần lễ là phần hội với các sinh hoạt văn hóa độc đáo như hội diễn võ, đấu vật, múa rồng, múa sư tử…, đặc biệt là múa bài Bông - một điệu múa mừng chiến thắng của quân dân thời Trần.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiết mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… Sau phần nghi lễ là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) mang ý nghĩa khuyến nông, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Nghi thức này diễn ra lần đầu tiên vào thế kỷ 10 ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành và sau nhiều năm thất truyền, lễ hội được khôi phục từ năm 2009 vào mùng 7 tháng giêng. Hội thi trang trí trâu là một hoạt động tiêu biểu trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý… sinh động và đẹp mắt
Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát chèo, xẩm, ca trù đất cố đô. Phần sân khấu hóa tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận. Các đại biểu và tăng ni, phật tử cùng du khách tham gia nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, no ấm.
Lễ hội đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An) được tổ chức hằng năm từ ngày 13 - 15 tháng giêng âm lịch với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của vua Mai Hắc Đế cùng tướng lĩnh của ông trong cuộc khởi nghĩa chống ách độ hộ phương Bắc năm xưa. Mở đầu lễ hội là dàn trống hội, biểu diễn múa lân và lễ rước - nghi thức quan trọng nhất. Phần hội có các trò chơi dân gian như: chọi gà, đấu vật đu tiên, cờ người, các hoạt động hiện đại như bóng chuyền, bóng bàn, hội trại, biểu diễn nghệ thuật... Đặc biệt, hội thi đấu vật thu hút rất đông người dân tham gia, là “môn võ” có truyền thống lâu đời tại mảnh đất này.
Lễ hội Làng Sình (Huế) diễn ra vào ngày 9 - 10 tháng giêng, là hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế. Lễ hội không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định) được tổ chức từ mùng 4 - 5 tháng giêng, là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Chương trình tế lễ diễn ra từ chiều mồng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm trong khu vực rộng lớn với cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang... Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng...
Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)
Hội xuân núi Bà bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng và kéo dài trong suốt tháng giêng với các sự kiện, lễ hội truyền thống cách mạng, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Du khách đến đây để cầu nguyện Thánh Mẫu phù hộ gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn và thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ của núi Bà.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) là một trong những lễ hội tiêu biểu và lớn nhất ở Bình Dương. “Thiên Hậu Cung” mà người dân thường gọi là Chùa Bà là một cơ sở tín ngưỡng dân gian quan trọng. Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng giêng. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.
Lễ hội chùa Phước Hải (thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra vào những ngày rằm, mùng một âm lịch, nhất là vào các ngày rằm lớn trong năm (15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch, 15/10 âm lịch), thu hút hàng vạn khách đến lễ chùa. Tuy nhiên, thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm. Tối ngày mùng 8, vị hòa thượng trụ trì chùa tổ chức tụng kinh cầu an. Cả ngày mùng 9 dành cho hàng chục vạn khách đến chiêm bái, có cả người Hoa lẫn người Việt. Trong các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Ngọc Hoàng có thể xem là một trong những điểm có sức thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái rất đông đảo. Mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm chùa Ngọc Hoàng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Hải Nam