5 lợi ích của vốn đầu tư nước ngoài
Dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam đem lại rất nhiều lợi ích, khi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam so với dòng vốn nội địa tham gia. Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn.
Thứ hai, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc, giúp đưa thị trường Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực.
Thứ ba, việc thị trường trở nên đa dạng về thành phần tham dự sẽ hỗ trợ cho sự phát triển để trở thành một thị trường bền vững. Các ý kiến và quan điểm cũng như chiến lược ngắn và dài hạn khác nhau từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước là một yếu tố quan trọng để đem lại sự cân bằng về cách đầu tư, sản phẩm và thanh khoản tốt được tạo ra cho các thương vụ M&A, hợp tác phát triển, từ đó thị trường có thể tăng trưởng một cách khỏe mạnh.
Thứ tư, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty phải luôn trong một áp lực phát triển từ một thị trường lớn, từ đó phải tích cực luôn tìm kiếm cho mình các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm.
Thứ năm, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.
Châu Á “áp đảo” Âu Mỹ trên thị trường Việt Nam?
Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi các nhà đầu tư châu Á, có phần sôi nổi hơn các đại diện Âu Mỹ. Thế nhưng, trên thực tế, có khá nhiều yếu tố để tạo nên sự khác biệt giữa mục tiêu cũng như phương thức đầu tư của các đơn vị nước ngoài.
Thực tế, nếu nhìn lại năm 2017, chúng ta có thể nhận thấy rằng, đây là một năm khá thành công của các nhà đầu tư BĐS trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam. Những cơ hội đầu tư mà các nhà phát triển nước ngoài hướng tới được phân loại theo cấp độ đầu tư, theo công ty hoặc dự án hoặc cấp độ kinh doanh trên thị trường chứng khoán hóa. Trong ba năm trở lại đây, có thể chứng kiến được sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm một cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Nếu như trước đây, họ chỉ tham gia ở nhóm BĐS thương mại (trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng…) thì hiện tại, sự hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Đối với họ, một thị trường BĐS gần 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Thêm vào đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang, việc ngày càng có nhiều người trẻ với xu hướng ra ở riêng sau khi lập gia đình hoặc vừa đi làm thúc đẩy rất lớn sự gia tăng của nhu cầu nhà ở, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các khu vực tiềm năng khác.
Quay trở lại vấn đề tại sao ở thị trường Việt Nam, hoạt động của các nhà đầu tư Âu Mỹ có vẻ “khiêm tốn” hơn các đơn vị châu Á. Trước hết, chúng ta có thể xét đến nhiều yếu tố, như sự khác biệt văn hóa dẫn đến khác biệt thị trường, cũng như gần nhất là vấn đề địa lý. Hơn nữa, bản chất đầu tư BĐS liên quan rất nhiều đến nhiều vấn đề tại địa phương, nhất là vấn đề pháp lý sở tại. Đây có thể là những hạn chế đến các nhà đầu tư Âu Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ bỏ qua thị trường Việt Nam.
Kênh đầu tư tập trung rất nhiều đơn vị Âu Mỹ hiện tại là tài chính chứng khoán, với việc niêm yết trên sàn giao dịch ở danh mục BĐS. Tính thanh khoản là điều các nhà đầu tư Âu Mỹ quan tâm và họ ít tham gia với cấp độ dự án hay công ty mà chọn lựa công ty niêm yết với tư cách nhà đầu tư tài chính. Và chính vì lẽ này, nếu chú ý kỹ hơn thì chúng ta có thể thấy rằng, số lượng các công ty Âu Mỹ tham gia chứng khoán BĐS không ít hơn những nhà đầu tư châu Á, thông qua các quỹ đầu tư, tổ chức định chế tài chính.
Ngoài ra, dù không tham gia đầu tư vào xây dựng dự án, nhưng các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến BĐS. Những thương hiệu quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, kết nối khu công nghiệp… đều là những đơn vị nổi bật đến từ châu Âu, châu Mỹ. Có thể nói, bằng những hình thái khác nhau thì họ vẫn tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam, và giới tài phiệt ở những lục địa này với mũi nhọn về tài chính, ngân hàng, BĐS đều không thể để một thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng như Việt Nam ra khỏi bản đồ đầu tư của họ.
TS Sử Ngọc Khương
Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam