Theo báo cáo tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 2017-2022, VITA đã đạt một số kết quả nổi bật như: tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt, 04 kỳ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội gần đây được tổ chức thành công thu hút nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch trong và ngoài nước tham gia, có tác động tích cực đến hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối các địa phương và doanh nghiệp du lịch, Hội chợ VITM đã dần trở thành thương hiệu, có uy tín.
Từ con số 3.200 hội viên tổ chức, doanh nghiệp vào năm 2017 đã tăng lên hơn gấp 3 lần với 10.520 hội viên và 15.130 hội viên cá nhân. Đây là những con số ấn tượng trong tổ chức hoạt động của VITA. VITA đã duy trì và phát triển 16 đơn vị trực thuộc, phát triển được 3 liên chi hội (liên chi hội hướng dẫn viên, liên chi hội đầu bếp, liên chi hội du lịch golf), 2 câu lạc bộ (câu lạc bộ du lịch cộng đồng, câu lạc bộ du lịch MICE), liên minh kích cầu du lịch nội địa...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV, 5 năm qua VITA đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Liên chi hội du lịch chuyên ngành cùng với doanh nghiệp du lịch hội viên tại các địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo mang thương hiệu của địa phương; đồng thời, quan tâm làm mới lại sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, du lịch.
Với việc tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch mới, độc đáo tiêu biểu hằng năm và mở rộng, phát triển thị trường du lịch quốc tế, nhất là những thị trường mang lại lượng khách lớn cho Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Asean và một số nước châu Âu... giai đoạn 2017- 2019 du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng liên tục cả về số lượng khách du lịch quốc tế, nội địa.
Năm 2020 và 2021 khi ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm tới 90%, VITA đã cùng với Hiệp hội Du lịch các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng, tổ chức Chương trình kích cầu du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch đã được làm mới, điều chỉnh theo hướng: giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn. Vì vậy, vẫn thu hút được một nước khách du lịch nội địa đến với những vùng, khu du lịch an toàn, không bị ảnh hưởng dịch.
Trước những khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã liên tục làm việc với các Hiệp hội thành viên, các doanh nghiệp hội viên để tìm ra các giải pháp phù hợp nhẳm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV để thúc đẩy Du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển và chuyển hướng các hoạt động theo định hướng nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả của đại dịch, chuẩn bị phục hồi hoạt động của ngành khi có điều kiện.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định: qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV của Hiệp hội Du lịch Việt Nam có thể thấy, nhiệm kỳ đã đạt được nhiều kết quả và thành công về hoạt động đề xuất xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp; về hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường du lịch; về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; những dự báo ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam; về công tác phát triển Hội viên, thực hiện các quy định, quy chế hoạt động của Hội…
“Những kết quả của nhiệm kỳ qua đã chứng tỏ vai trò và vị thế quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch, là cầu nối của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch trong suốt 20 năm qua”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá.
Đồng thời Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V cũng như toàn thể Hiệp hội quan tâm thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động quản lý và phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững trong thời gian tới; luôn chủ động trong các hoạt động đề xuất và tư vấn về chính sách, hỗ trợ phát triển thị trường, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe cũng như đồng hành trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Thứ hai, Hiệp hội Du lịch cần tiếp tục thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân là thành viên của Hiệp hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, các thành viên Hiệp hội; định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia của Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương thành lập các Hiệp hội Du lịch hoặc chi hội của Hiệp hội Du lịch ở địa phương để tăng cường sức mạnh của Hiệp hội cũng như tạo điều kiện huy động thêm nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch các địa phương, của quốc gia.
Thứ tư, từ ngày 15/3/2022, được sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Du lịch đã mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Cùng với việc tuân thủ các quy định trong việc phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các vùng miền, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội cùng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn trước mắt, tập trung mọi nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Đại hội đã bầu ra 87 đại biểu vào Ban Chấp hành và 5 đại biểu vào Ban Kiểm tra Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V (2022 – 2027). Đại hội cũng đã bầu ông Vũ Thế Bình, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ IV làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Thu Thảo