Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới với khoảng 15,6 triệu người sử dụng thuốc lá, chiếm 22.5% và 28,5 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, có khoảng 5,9 triệu người không hút thuốc, nhưng tiếp xúc với khói thuốc của người hút thuốc lá tại nơi làm việc.
Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm). Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Mức độ ô nhiễm khói thuốc trong nhà hàng cao gấp 3 - 5 lần so với môi trường làm việc khác và cao gấp 8 - 20 lần so với môi trường nhà ở có ít nhất 1 người hút thuốc.
Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, các nhà hàng/quán bar cho phép hút thuốc lá bên trong nhà có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 4,4 lần mức an toàn theo quy định của Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ.
Những nhân viên làm việc trong các nhà hàng ô nhiễm khói thuốc nặng tiếp xúc với lượng benzopyren ngang với hút 1 - 2 bao thuốc/ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân viên và khách; gây ấn tượng không tốt với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng không hút thuốc, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Hút thuốc lá làm tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc; làm tăng nguy cơ cháy nổ; tăng chi phí quét dọn và bảo dưỡng cơ sở vật chất của khách sạn, nhà hàng. Khói thuốc làm xỉn màu, làm xấu và nhanh hỏng các tài sản; khói thuốc ám mùi lên quần áo, rèm cửa, khăn phủ bàn và các đồ đạc trong khách sạn, nhà hàng làm cho việc xử lý hoặc thay thế tốn kém hơn. Mùi khói thuốc ảnh hưởng xấu tới vẻ sang trọng và sức hấp dẫn của khách sạn, nhà hàng.
Trong những năm qua, nhận thức của du khách về tác hại của khói thuốc ngày được nâng cao, nhất là được sống trong môi trường không khói thuốc lá; nhiều tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành đã quan tâm triển khai các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTHTL.
Việc tổ chức địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai ở hầu hết các địa điểm theo Điều 11 của Luật PCTHTL, bao gồm: nơi làm việc; cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và các phương tiện giao thông công cộng.
Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc tại tỉnh Bắc Ninh; lễ hội Biển chủ đề “Nha Trang - thành phố không khói thuốc”; diễu hành với chủ đề: Hội An, thành phố du lịch không khói thuốc... Mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đang được triển khai tại: Huế, Nha Trang, Hải Phòng, Hạ Long, Hội An...
Đáng chú ý, Hà Nội đã tập trung xây dựng và duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện; xây dựng và triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại các điểm du lịch trên địa bàn, tập trung tại các điểm như Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long…
Thông qua hoạt động tuyên truyền PCTHTL, tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm. Theo thống kê, có 29% người trưởng thành đã cai thuốc lá và 53.6% số người hút thuốc có kế hoạch bỏ thuốc lá trong tương lai.
Gần đây, nhiều người không hút thuốc lá truyền thống mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử với suy nghĩ thuốc lá điện tử không độc hại. Đó là suy nghĩ sai lầm, vì thuốc lá điện tử cũng rất độc hại, thậm chí gây nguy cơ ung thư gấp 15 lần thuốc lá thường.
Mặc dù có những con số tích cực, song thực trạng hút thuốc lá ở Việt Nam nói chung và tại các địa điểm du lịch nói riêng cần được cải thiện nhiều hơn nữa hướng tới nâng cao sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống.
Có thể thấy, tại Việt Nam tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà hàng, khách sạn vẫn còn tương đối cao, với hơn 80% khách hàng hút thuốc tại nhà hàng, hơn 70% hút thụ động tại các khách sạn.
Để tạo môi trường du lịch không khói thuốc ở địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch đạt hiệu quả cao cần thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của đơn vị, sản xuất và kinh doanh thuốc lá; bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng và phải có cơ chế khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể thực hiện tốt các hoạt động PCTHTL, đồng thời cần sự quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự chung tay vào cuộc tích cực của người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.
Và quan trọng hơn, mỗi người dân và du khách cần nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành các quy định của Luật PCTHTL để góp phần tạo môi trường du lịch không khói thuốc lá.
Vì vậy, việc thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc ở địa điểm du lịch như nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch rất cần thiết được triển khai để du khách nâng cao nhận thức về Luật PCTHTL nói chung và tại các địa điểm du lịch nói riêng.
Đây là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá; giúp người không hút thuốc lá (cán bộ, nhân viên ngành du lịch, khách du lịch) giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc; giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Đồng thời, hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường; góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch.
TH