|
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Nhì Ảnh: Nguyễn Đức |
Sáu năm đào tạo ở trình độ cao đẳng là mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, là bước phát triển khá nhanh, một bước tiến khá dài so với cả chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường. Hiện nay, với trên 190 cán bộ giảng dạy Nhà trường đã có gần 80 người có trình độ sau đại học và hầu hết được đào tạo, bồi dưỡng đúng chuyên ngành trong và ngoài nước. Hệ thống chương trình đào tạo, chương trình môn học, bài giảng, giáo trình giảng dạy đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu dạy và học của các hệ đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngày càng được mở rộng và nâng cấp theo hướng tiên tiến, hiện đại.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Sự phát triển không ngừng của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đang song hành với doanh nghiệp và lớn mạnh cùng ngành Du lịch Việt Nam. Theo dự báo, đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón từ 5,5 triệu đến 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách du lịch nội địa. Do vậy, Du lịch Việt Nam cần khoảng 1,4 triệu lao động. Trong đó, lao động trực tiếp trong du lịch chiếm khoảng 350 nghìn người. Như vậy, số lượng lao động trực tiếp trong du lịch hàng năm phải tăng bình quân là 8,5%, tương đương với 19 nghìn lao động mỗi năm. Trong khi đó, cả nước hiện nay chỉ có khoảng 70 cơ sở đào tạo du lịch với số lượng học sinh, sinh viên ra trường hàng năm tối đa khoảng 13 nghìn người.
Thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là ngành Du lịch chưa có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó có việc xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo về du lịch. Từ đó, dẫn đến hiện tượng phát triển tràn lan; nội dung, chương trình đào tạo không được chú trọng. Tình trạng "thừa thày, thiếu thợ" đã và đang diễn ra khá phổ biến. Doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó khăn xin được việc làm.
Nhiều học sinh, sinh viên ra trường có kiến thức vĩ mô về du lịch, nhưng không có kỹ năng thực hành, không có ngoại ngữ; nhiều sinh viên có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhưng không có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức đào tạo tại chỗ sau tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và người lao động. Đây là vấn đề bất cập giữa đào tạo và sử dụng lao động theo nhu cầu xã hội.
Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tìm ra hướng đi thích hợp cho sự phát triển bền vững của Nhà trường nói riêng và góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của toàn ngành Du lịch Việt Nam nói chung. Một trong những yếu tố để Nhà trường tồn tại và phát triển là phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp du lịch là thị trường tiêu thụ sản phẩm đào tạo của Nhà trường. Doanh nghiệp lớn mạnh, nhà trường cũng được phát triển. Đồng hành cùng doanh nghiệp là khẩu hiệu hành động của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Mọi hoạt động đào tạo của Nhà trường đều có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp và ngược lại. Doanh nghiệp tham gia xây dựng chiến lược phát triển trường, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình; doanh nghiệp giúp đỡ, hướng dẫn học sinh, sinh viên tham quan, thực tập và định hướng nghề nghiệp. Nhà trường giúp doanh nghiệp trong việc tham gia tổ chức các hoạt động phục vụ các sự kiện lớn; đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp, thi xác định bậc nghề, cung ứng lao động theo yêu cầu doanh nghiệp...
Nhờ có sự gắn kết chặt chẽ và tự nguyện của cả hai phía mà người học được làm quen, hiều và bắt nhịp với môi trường, phong cách làm việc ở doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp ra trường, họ hoàn toàn chủ động hoà nhập vào công việc tại doanh nghiệp. Do vậy, trong nhiều năm qua sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thường có việc làm ngay khi chưa kết thúc khóa học và hầu như 90% đến 95% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Chưa thoả mãn với những gì đã đạt được, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng một trường đẳng cấp cao trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, với quy mô đào tạo lớn hơn, cấp độ đào tạo cao hơn, theo phương châm phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước và tiếp sức từ bên ngoài.
Về đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có từ 100 đến 120 thạc sỹ và từ 15 đến 18 tiến sỹ.
Về nội dung chương trình, Nhà trường đã xây dựng một hệ thống chương trình đào tạo chuẩn theo ngành học riêng của du lịch (trước đây chưa có) và hệ thống chương trình môn học, bài giảng, giáo trình phù hợp từ hệ cao đẳng trở xuống. Đồng thời, Nhà trường đang tích cực hoàn thành việc xây dựng hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo hệ đại học theo hướng cử nhân thực hành.
Về cơ sở vật chất, Nhà trường đang triển khai đầu tư xây dựng cơ bản trên quỹ đất hiện có (hơn 3 ha), nhằm bổ sung và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo với quy mô từ 18 đến 20 nghìn sinh viên/năm vào năm 2015. Đồng thời, đang tích cực xúc tiến việc bổ sung, mở rộng quỹ đất để đáp ứng nhu cầu một trường đại học trong tương lai gần.
Năm 2009, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội triển khai tuyển sinh hai ngành đào tạo mới là Tiếng Anh và Hệ thống thông tin quản lý. Ngành Tiếng Anh với hai chuyên ngành: Tiếng Anh - Quản trị khách sạn, nhà hàng; Tiếng Anh - Quản trị lữ hành, hướng dẫn (dạy và học trực tiếp bằng Tiếng Anh). Ngành Hệ thống thông tin quản lý với hai chuyên ngành: Tin học ứng dụng du lịch và Tin học quản lý. Bên cạnh đó, Nhà trường đã thành lập Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm tách hoạt động dạy và học độc lập với kiểm tra, đánh giá. Tiến tới thành lập Trung tâm Sư phạm và Thẩm định kỹ năng nghề du lịch; đồng thời đăng ký kiểm định tiêu chuẩn Chất lượng giáo dục quốc gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2010.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức hiện nay, hơn lúc nào hết, các cơ sở đào tạo và sử dụng lao động cần gắn kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau bằng những hành động thiết thực và cụ thể, để cùng nhau tạo ra một đội ngũ lao động có chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tham gia đóng góp ý kiến với Nhà nước trong việc xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó có hệ thống các trường đào tạo du lịch cùng với nội dung chương trình đào tạo phù hợp.
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày thành lập, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; các Bộ, Ngành hữu quan; các doanh nghiệp Du lịch - Khách sạn; các nhà tài trợ; các cơ sở đào tạo du lịch; các tổ chức trong nước và quốc tế đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi ủng hộ Nhà trường trên con đường xây dựng và phát triển. Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự cổ vũ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để Nhà trường vững bước tiến lên, xứng đáng với sự tin yêu, mong đợi của Ngành và toàn xã hội./.
Ths. ĐINH VĂN ĐÁNG
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội