|
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến đồng thời diễn ra tại 4 điểm: Việt Nam, Campuchia, Lào và Nhật Bản, kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng video của Ngân hàng thế giới.
Tham dự hội thảo là đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á, Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản, Tổng cục Du lịch Lào, Bộ Du lịch Campuchia, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.
Với sự tham gia của các thuyết trình viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, hội thảo góp phần giúp các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch nắm bắt được thông tin về thực trạng, thách thức, khó khăn và thảo luận biện pháp phát triển du lịch một cách bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo đối với quốc gia mình nói riêng, với khu vực Mêkông nói chung. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cung cấp thông tin về thị trường du lịch ba nước Mêkông và thảo luận việc tăng cường sự hợp tác phát triển liên vùng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch Chi hội PATA Việt Nam Trần Chiến Thắng cho rằng: Với những nét độc đáo về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, giao thông thuận lợi của ba nước thuộc lưu vực Mêkông và những điểm đến nổi tiếng như vịnh Hạ Long (Việt Nam), Luang Prabang (Lào), và Angkor (Campuchia) thì ba nước hoàn toàn có thể xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh với những khu vực khác trên thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực nhằm xúc tiến du lịch, biến tiểu vùng Mêkông thành một điểm đến chung, phát triển du lịch bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Từ quan điểm thế giới, ông Masato Takamatsu – Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách Marketing Công ty Japan Tourism Marketing đánh giá thị trường du lịch ba nước lưu vực sông Mêkông: muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải trở thành điểm đến hợp nhất và cần tăng cường xúc tiến điểm đến hấp dẫn với sự hợp tác giữa các quốc gia và khu vực hoặc vùng.
Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của UNWTO và Nhật Bản. Hội thảo đã được sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc đề xuất các biện pháp cụ thể, khả thi.
Bài và ảnh: Thanh Hiền