 |
Cồng chiêng Tây Nguyên Ảnh: Công Thành |
Mỗi dân tộc Tây Nguyên có một cách chơi chiêng khác nhau, tuy không phải là chuyên gia âm nhạc, nhưng người Tây Nguyên chỉ cần nghe tiếng chiêng họ có thể phân biệt được đó là dân tộc nào. Tây Nguyên có hai loại nhạc cụ chính là cồng và chiêng. Cồng làm bằng đồng có cái núm ở giữa, còn chiêng phẳng, không có núm. Cồng chiêng được gọi là nhạc cụ bởi nó phát ra tiếng nhạc, nhưng không chỉ nhằm giải trí, tiêu khiển cồng chiêng còn gắn liền với một lễ hội hay một sự kiện quan trọng của cộng đồng. Cồng chiêng được xem như vật linh thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những đấng vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các thần linh. Dường như mỗi sinh hoạt trong bộ tộc đều gắn liền với nét nhạc. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng, già làng lấy cái cồng cổ xưa nhất đến bên giường đánh lên để cho những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé, đó là tiếng của bộ lạc, khẳng định nó là một phần của bộ tộc. Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của đời sống đều gắn liền với tiếng cồng chiêng, từ việc đồng áng như gieo mạ, gặt lúa cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, cuộc chia ly hay tang lễ…
Tên gọi của những chiếc cồng chiêng cũng rất phong phú, có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc khí phát ra, có khi là tên gọi theo vị trí của nó trong dàn nhạc. Đặc biệt, hầu hết những chiếc cồng phát ra âm thanh thấp - vốn là âm cơ bản - mang tên "mẹ". Trong những dàn có từ 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng "cha" bên cạnh cồng "mẹ", tiếp theo là các cồng con, cồng cháu…, hình thành hệ thống gia đình với cồng mẹ luôn luôn đứng trước cồng cha, phù hợp với chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên.
Cồng chiêng đã gắn bó với cuộc sống của người dân Tây Nguyên từ ngàn đời nay, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi hết sức lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân, cùng với những biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội nơi cư dân Tây Nguyên sinh sống. Đó là sự thay đổi trong phương thức canh tác; sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên; sự bùng nổ công nghệ thông tin… Những sự biến đổi ấy dẫn đến sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng.
Nếu so với cồng chiêng của một số nước trong khu vực, cồng chiêng Tây Nguyên có nét đặc sắc là chưa bị thương mại hóa, vẫn tồn tại trong đời sống dung dị nơi p'lei, p'lơi, buôn, bon… của người Ba Na, Gia Rai, Ê Ðê, Mạ… Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cồng chiêng chưa bao giờ tách ra khỏi đời sống của cộng đồng. Bởi vậy, cùng với việc nâng cao lòng tự hào, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng chính là cách bảo vệ giá trị sáng tạo của cộng đồng các dân tộc.
Tháng 11 năm 2005, UNESCO chính thức công nhận cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo tiêu chí của UNESCO, một bộ môn nghệ thuật khi được tổ chức này công nhận "kiệt tác" có nghĩa là nghệ thuật đó đã đạt đến đỉnh. Chính vì vậy, trong kế hoạch bảo tồn và phát triển cồng chiêng Tây Nguyên, không cho phép việc "đổi mới" làm biến chất bộ môn nghệ thuật truyền thống, nay đã trở thành di sản của cả nhân loại.
CHÂU GIANG