Từ lúc 5 giờ sáng cho đến mãi 6 giờ chiều, những chiếc loa phóng thanh phát lên âm thanh rộn ràng khơi mào cho nhịp sống trên khắp đất nước Việt Nam. Những hệ thống phát thanh công cộng phát đi các bản tin tuyên truyền và dự báo thời tiết hòa trong tiếng các loại phương tiện tham gia giao thông và các công trường xây dựng. Thế nhưng ở Côn Sơn, những hệ thống loa phóng thanh thậm chí phát ra âm thanh to và rõ hơn phủ lên trên một thị trấn nhỏ bé khoảng 5.000 dân, nơi có 2 trụ đèn giao thông và một con đường đi dạo khá thơ mộng ven biển.
Chuyến tham quan hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một nhóm khoảng 16 hòn đảo tuyệt đẹp và đa phần hoang vắng nằm trong biển Đông, thực sự khiến ta như quay lại thời xa xưa nào đó. Cách thành phố Hồ Chí Minh đúng 45 phút đi bằng máy bay, đảo thiên đường Côn Sơn hiện ra như một thế giới khác biệt. Một thế giới như thoát ra khỏi tầm kiểm soát của radar, vượt ra khỏi sự phát triển quá mức của những thành phố nghỉ mát lớn của Việt Nam như Nha Trang và Phú Quốc. Nơi đây chỉ có những bãi biển yên ả, thanh bình, nghĩa là ngay cả mùa cao điểm, nơi này cũng chỉ lác đác bóng dáng khách Tây phương (dù chắc chắn rằng nơi này sẽ không mãi như thế).
Khu nghỉ mát đầu tiên xuất hiện trên đảo Côn Sơn là resort sang trọng Six Senses Côn Đảo nằm tọa lạc trên bãi biển Đất Dốc thuộc duyên hải phía Đông của Côn Sơn. Đi vào hoạt động từ năm 2010, siêu resort này hiện nay vẫn đang được xây dựng xuôi về phía Nam của đảo. Chúng tôi nghe phong thanh câu chuyện về nơi trị liệu tâm linh của một người Italia, cũng như những lời đồn về một dự án đường băng khiến cho những loại máy bay loại lớn cũng có thể hạ cánh. Giờ đây, phần lớn du khách Việt Nam vẫn luôn dành cho quá khứ của Côn Sơn sự trân trọng đặc biệt. Nổi tiếng khắp Đông Nam Á với tên gọi “Đảo Quỷ”, Côn Sơn từng là nơi diễn ra những hành vi tra tấn tù nhân tàn bạo và độc ác mà chính quyền thực dân Pháp đã sử dụng, sau đó đến lượt người Mỹ trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam…
Bất chấp những ký ức từ quá khứ vẫn còn đeo nặng trên vai, đời sống của dân đảo hôm nay đã chuyển sang một trang khác. Côn Sơn xanh mát được bao phủ bởi làn nước biển màu ngọc lục bảo ấm áp và những rặng san hô rực rỡ màu sắc.
Hoa phượng vỹ, hoa bông giấy mọc thành rừng ở khắp nơi, còn hoa đại và hoa mộc lan tô thắm những đại lộ rộng rãi, thanh bình nơi đây. Một tuyến đường chính bao bọc một nửa hòn đảo; xe gắn máy chạy vi vu trên bờ biển nơi có những hồ nước lung linh hoa sen, những vách núi màu cam ngoạn mục, cạnh đó là một bãi biển cát trắng mịn màng đầy vẻ quyến rũ. Biển dịu êm, trong lành và lý tưởng để bơi lội quanh năm. Chợ trên đảo Côn Sơn là nơi bạn có thể mua được mực, cua, ghẹ, chôm chôm, chuối, xoài, thanh long và hoa sen. Trong chợ, những anh lính trẻ trong bộ quân phục màu xanh rừng đại ngàn, ngồi trên những ghế nhựa thấp tại các sạp bán đồ ăn, í ới gọi món điểm tâm sáng có tên là “bún riêu” (bún cua) hay món “bún thịt nướng” (bún ăn với thịt nướng trên than hồng), ngoài kia mặt trời buổi sáng đang sầm sập gõ cửa.
Mới 9 giờ sáng, mọi thứ đều được bán sạch, chợ vắng như “chùa Bà Đanh”. Không có gì mới cho mãi đến 2 giờ chiều, đó là lúc cánh hàng rong tìm tới, họ bán món bánh mì, nước mía và bò bía. Hai tiếng sau đó, mấy nhân viên bưu điện tan ca, về nhà, chợ trống rỗng, hòn đảo ngái ngủ, nắng mặt trời rọi khắp biển xanh. Không có gì để làm, nhưng bơi lội là một thú vui vì nơi đây có vài bãi biển tuyệt đẹp. Nếu bạn muốn ngắm quần đảo Côn Đảo, ngay đêm đó bạn có thể quá giang cùng ngư dân để có dịp khám phá. Trong chiếc xuồng sơn màu cam, ngư dân sẽ đưa bạn tiến về phía vịnh và rặng san hô nằm bao quanh quần đảo nhỏ xíu này. Bạn chỉ cần trang bị thêm ống thở và kính chống nước thế là có thể thoải mái ngắm rùa biển bơi lội. Ở đây được đánh giá là nơi lặn biển tốt nhất Việt Nam.
Khi nắng mặt trời dịu bớt, nhiều khách du lịch khoái nhất là chạy xe máy khám phá Côn Sơn về đêm.
Tại vịnh An Hải nằm cách thị trấn Côn Sơn khoảng 1km về phía Nam, những người mò ngọc trai và ngư dân neo đậu thuyền bè của họ, giữ những chiếc thuyền thúng – một dạng thuyền bằng tre hình tròn – những con thuyền được chống thấm bằng nhựa dừa cọ và sử dụng mái chèo. Đi thêm khoảng 6km, bạn cuốc bộ dọc theo con đường của vịnh để đặt chân tới điểm cực Nam của đảo Côn Sơn, từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát mọi hướng. Quần đảo Côn Đảo xoay mình về hướng Đông; bến cảng và thị trấn Côn Sơn ở hướng Bắc; bề mặt gồ ghề, lởm chởm đá của đảo xoay về hướng Tây. Bám vào các vách đá, gió thổi thốc qua những vịnh biển nước trong suốt như pha lê với vách dựng đứng, nơi đây xứng đáng là viên ngọc của Côn Sơn. Chúng tôi dừng chân tại bãi Nhát, khi thủy triều thấp, những ngọn núi nhường đường cho một bãi cát trắng trải dài hàng trăm mét, dòng nước biển ấm áp kéo dài thêm hàng trăm mét nữa.
Chúng tôi dừng chân nơi đây cho mãi đến khi ánh hoàng hôn lấp lánh hòa với ánh sáng từ những chiếc tàu chở container trên biển Đông. Màn đêm dần rủ bóng, tuyến đường ven biển tại thị trấn Côn Sơn bỗng chốc hóa thành một chốn sinh hoạt xã hội sôi động. Bầu trời trở màu phơn phớt hồng, những chiếc xe hàng rong toát lên mùi thức ăn nướng thơm lừng với món bắp (ngô) chiên, gà và thịt lợn nướng xiên que. Những người bơi lội, phần đông là du khách Việt Nam, tìm đến tuyến đường này để ngâm mình trong hoàng hôn. Bến cảng dần lèn chặt người. Hai bên con đường dẫn ra bãi biển là những ngôi biệt thự có từ thời thuộc Pháp rêu phong, cổ kính. Nhà soạn nhạc người Pháp, Camille Saint-Saens từng ngụ ở một trong những ngôi biệt thự này khi ông hoàn thiện bản opera Brunhilda vào năm 1895. Ngày nay, ngôi nhà này trở thành quán cafe nổi tiếng của Côn Sơn, phục vụ khách bia, kem và cafe Việt Nam.
Đêm. Có một khu chợ khác được nhóm họp trên đường Trần Huy Liệu, đó là 2 khối nhà nằm ở phía Đông của thị trấn. Một nửa con phố được kê đầy những bộ bàn ghế bằng kim loại; bia tuôn xối xả trong các quầy hàng bên vệ đường, họ bán các món hải sản nướng, mực và những thứ được đánh bắt ngay trong ngày. Đó là cách hay nhất để tận hưởng vào cuối ngày, và tạm thời xóa tan nỗi lo lắng phải trở về đất liền quá sớm.
Nguồn: http://www.bbc.com/travel/story/20150914-vietnams-prison-island-paradise
Nguyễn Thanh Hải (lược dịch)
(Tạp chí Du lịch)