Thế kỷ 7, những người theo đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Hồi đã thực hiện những chuyến đi xa vì các nhu cầu sức khỏe, tôn giáo và thăm thú những thắng cảnh trên đường đi. Một số tác phẩm văn học kinh điển của phương Tây và phương Đông viết về giai đoạn này như The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer và Tây du ký của Ngô Thừa Ân đều dựa trên các chuyến du hành tôn giáo có thật trong lịch sử. Ở Trung Quốc, từ thời nhà Tống đã có các nhà văn, nhà địa lý chuyên viết về những trải nghiệm của họ khi đi du ngoạn bốn phương.
Ở phương Tây, năm 1271, Marco Polo đã có chuyến đi kéo dài hơn 20 năm từ Venise (Italia) tới Trung Quốc và nhiều nơi ở phương Đông, trong đó có thương cảng Đại Chiêm (nay là Hội An). Tiếp đó, một loạt các chuyến hải hành và phát kiến địa lý nổi tiếng của Cristoforo Colombo, Vasco de Gama và Ferdinand Magellan đã được thực hiện. Những chuyến đi này đã mở hướng cho hoạt động lữ hành quốc tế trên phương tiện vận tải thủy.
Du lịch hiện đại có thể bắt nguồn từ các chuyến “Grand Tour” vào thế kỷ 18 tại châu Âu, là chuyến đi của giới thanh niên thượng lưu các nước Tây và Bắc Âu tới các quốc gia khác nhằm trải nghiệm, khám phá và học hỏi văn hóa, nghệ thuật. Phong trào này phát triển mạnh hơn và lan rộng ra các tầng lớp khác khi các tuyến đường sắt được xây dựng. Lượng hành khách, thời gian du lịch của khách và các dịch vụ gia tăng đã dẫn tới sự hình thành thị trường du lịch; sự xuất hiện của tàu hỏa cũng dẫn tới dịch vụ đặt chỗ.
Năm 1841, Thomas Cook - một nhà du lịch và nhà kinh tế người Anh đã đặt nền móng cho hoạt động kinh doanh lữ hành hiện đại. Ban đầu, ông tổ chức chuyến đi cho 570 người tới dự hội nghị trên một chiếc tàu từ Leicester tới Longborough dưới hình thức một tour hướng dẫn (sau này gọi là du lịch công vụ). Ông cũng ký hợp đồng riêng với công ty đường sắt tư nhân với chi phí thuê được tính bằng một nửa giá vé thông thường. Chuyến đi đã diễn ra rất thành công và nhiều người đã học theo Thomas Cook để tiếp tục mở ra các dịch vụ lữ hành. Năm 1812, Thomas Cook tổ chức văn phòng du lịch đầu tiên ở Anh (và cũng là văn phòng đầu tiên có tính chuyên nghiệp trên thế giới). Năm 1845, ông mở hãng lữ hành ở Leicester, đây được coi là hãng lữ hành đầu tiên theo nghĩa hiện đại. Trong thời gian đầu, ông đã tổ chức một loạt các chuyến đi tới các điểm du lịch lý thú ở Anh, Scotland, viết sách hướng dẫn du lịch và ký các hợp đồng trọn gói phục vụ các chuyến viếng thăm tới các lâu đài. Thomas Cook cũng là người đã phát minh một số khái niệm trong lĩnh vực du lịch như giá vé đoàn, tour trọn gói, vé đường sắt quốc tế, coupon thanh toán tại khách sạn… Năm 1927, doanh nghiệp Cook đã tổ chức chuyến bay thuê bao (charter flight) đầu tiên cho du khách từ New York tới Chicago để tham dự một trận đấm bốc.
Du lịch thế giới tiếp tục được đẩy mạnh cùng lúc với phát triển của các phương tiện vận tải. Cuối những năm 30 của thế kỷ 20, ngành Du lịch trên thế giới đã phát triển rất mạnh. Các tổ chức quốc tế và khu vực về du lịch và dịch vụ du lịch ra đời. Trên cơ sở Nghị quyết trù bị về thành lập Tổ chức Du lịch thế giới họp ngày 27/9/1970, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chính thức được thành lập ngày 2/1/1975 thuộc Liên Hợp quốc. Đây là tổ chức quốc tế về du lịch lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các hoạt động du lịch của hầu hết các quốc gia. Ngày 27/9 hàng năm được chọn là ngày Du lịch thế giới.
Hải Nam (tổng hợp)
(Tạp chí Du lịch)