Tôi yêu Việt Nam từ cái nhìn đầu tiên, từ lúc còn là anh chàng Tây ba-lô đặt chân tới đây năm 1994. Cơ sở hạ tầng từ đó đến nay đã được cải thiện đáng kể, đưa Việt Nam tương xứng với những đối thủ du lịch đáng gờm nhất. Đến Việt Nam, du khách luôn tìm được giá trị tốt nhất cho đồng tiền của mình. Phở, bia hơi, bánh mỳ, cà phê sữa đá là những đặc sản mà mọi du khách, từ khách du lịch ba-lô đến những thương gia giàu có đều khao khát thưởng thức. Lịch sử sống động trong từng góc phố, mỗi ngôi nhà và mỗi người dân. Cuộc sống về đêm ngày càng hấp dẫn với vẻ đẹp của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang hiện ra lung linh cùng với dòng năng lượng tuôn chảy 24 giờ mỗi ngày. Nhịp sống chậm rãi ở Huế, Đà Lạt, và Cần Thơ như đưa ta trở về quá khứ. Những khách sạn đầy tính lịch sử như Metropole (Hà Nội), La Residence (Huế) và Majestic hay Continental (TP. Hồ Chí Minh) chính là những di sản du lịch đang được bảo tồn và quản lý tốt.
Những trải nghiệm vô cùng đa dạng ở dải đất hình chữ S này khiến tôi và nhiều du khách quốc tế phấn khích. Cũng như vô vàn món ăn nơi đây, không ai có thể nói rằng mình đã trải nghiệm đầy đủ tinh hoa bản sắc Việt. Những địa điểm yêu thích nhất của tôi là Hà Giang, Hà Nội, Huế, Hội An, và đồng bằng sông Cửu Long. Và, tôi cũng đã đặt chân đến một số khu rừng quốc gia ở Việt Nam. Tất cả những khu rừng này đều tuyệt đẹp, Cát Tiên xếp thứ hạng cao trong danh sách các điểm phải đến của tôi. Nhưng tôi biết mình không bao giờ thực hiện hết danh sách ấy cùng một lúc vì tôi muốn tiếp tục quay trở lại để trải nghiệm. Và danh sách của tôi đang tiếp tục dài ra với việc Việt Nam phát hiện ra những địa điểm du lịch mới, như Trường Lũy (Quảng Ngãi), hệ thống hang động khổng lồ ở Phong Nha, Kẻ Bàng…
Để Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hoàn hảo, cần có sự phối hợp và nỗ lực nhiều hơn nữa của tất cả các thành viên trong xã hội bao gồm: những người cung cấp dịch vụ du lịch, các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông đại chúng, và mọi tầng lớp nhân dân.
Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để du khách cảm thấy an tâm và an toàn. Cần có những chiến lược truyền thông về việc đối xử công bằng với du khách và quảng bá cho những hành vi đẹp trong ngành Du lịch. Cần có những cảnh sát biết cười và biết ngoại ngữ để có thể giúp đỡ du khách. Nạn taxi dù cần dẹp bỏ, nạn cướp giật tại TP. Hồ chí Minh, phải được đẩy lùi. Du khách lần đầu đến Việt Nam cần nhận được thông tin về cách bảo toàn tài sản. Các số điện thoại nóng trợ giúp du khách trong trường hợp khẩn cấp cũng cần được thông báo rộng rãi.
Ấn tượng đầu tiên luôn vô cùng quan trọng, vì thế việc nâng cấp dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài không thể bỏ qua. Người nước ngoài mới tới Việt Nam thường rất lúng túng khi đếm số tiền hàng triệu đồng...
Dù đã có những bảo tàng xứng tầm quốc tế như Bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp nhiều bảo tàng khác để các hiện vật trưng bày có ý nghĩa giáo dục tốt hơn và thông tin tiếng Anh được chính xác và đầy đủ hơn.
Sự phát triển kinh tế cần phải được xem xét kỹ lưỡng để bảo toàn tiềm năng du lịch. Việc chặt bỏ những hàng cây cổ thụ ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để xây các tuyến đường metro chắc chắn sẽ làm nhiều du khách tiếc nuối. Các tòa nhà cao tầng mọc lên đem lại lợi ích kinh tế khổng lồ tuy nhiên chúng có thể làm mai một vẻ duyên dáng của các thành phố, bằng việc làm biến mất các ngôi nhà, góc phố cổ kính.
Việt Nam không thiếu những di sản ẩn mình ở những nơi hẻo lánh và đó chính là những viên ngọc quý hấp dẫn du khách. Trước khi đi thăm khu di tích Pác Bó vào tháng tư năm nay, tìm mãi tôi mới tìm được thông tin rất ít ỏi bằng tiếng Anh.
Mạng xã hội và mạng internet là những công cụ cần được sử dụng tốt hơn để quảng bá du lịch Việt. Các trang thông tin du lịch miễn phí như Tripadvisor được hàng triệu người sử dụng. Thật tiếc khi nhiều di sản Việt hiện chưa có thông tin trên Tripadvisor.
Dù Việt Nam đang từng ngày thay da, đổi thịt nhưng tôi hy vọng không bị mất đi bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa chính là nguồn tài nguyên bất tận của du lịch. Những trải nghiệm đẹp nhất của tôi ở Việt Nam chính là việc được ăn Tết với gia đình người Việt, uống cà phê với nông dân ở Đắk Lắk và nằm võng nhà sàn ở Mai Châu. Tôi yêu việc được đi xe máy khắp nơi, để được là một con cá ngụp lặn trong một biển người. Tôi thích đi ra chợ bằng thứ tiếng Việt bập bẹ của mình để các bà, các mẹ cười xòa, giảm giá cho tôi.
Đối với tôi, Việt Nam là một ly cocktail có hương vị vô cùng mạnh mẽ, hòa quyện vị chanh dây, mướp đắng, rau ngò và nước mắm. Tuyệt ngon nếu bạn dám thử!
Ông Johann Farnhammer (quốc tịch Đức) là Tham tán, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Philippines. Ông từng công tác tại Phái đoàn Ủy ban châu Âu ở Việt Nam trong cương vị Bí thư thứ nhất.
|
Johann Farnhammer
(Tạp chí Du lịch)