Cá nâu mình dẹp, tròn, thân cá có những chấm tròn đen trên nền da nâu vàng, sống ở vùng nước lợ là ngon nhất, thịt cá ngọt, béo. Cá nâu có thể chế biến thành nhiều món như chiên, gói lá chuối nướng than, chưng tương, nấu mắm, nấu mẻ, nấu canh chua, kho trái giác…
Về miệt Thứ, ăn nồi cơm gạo mới, ngồi trong nhà sàn gió lộng tứ bề, giữa một màu xanh bát ngát mắm đước, nghe sóng vỗ ngay dưới chân mình, nhâm nhi mấy ly rượu đế với món cá nâu gói lá chuối nướng than chấm muối ớt hay cá nâu chiên hấm nước mắm nhĩ mới thấy hết được cái thú tao nhã của vùng sông nước.
Nhưng đặc biệt nhất vẫn là món cá nâu kho trái giác. Món này chế biến khá đơn giản nhưng phải “đúng điệu” thì mới ngon, nước dùng để nấu phải là nước dừa tươi, trái giác phải vừa độ chua giòn. Cá nâu kho trái giác phải ăn kèm rau cù nèo, mác, bông súng, rau má, đọt muống, bông lục bình… Thưởng thức từng miếng cá nâu, vừa đưa vào miệng đã cảm nhận được vị chua thanh tao, thơm dịu mùi đồng ruộng của trái giác rồi nhấp nháp vị bùi, béo của cá với rau, ăn kèm cùng cơm trắng thì còn thú vị nào bằng!
Cá nâu còn được xem là món thuốc truyền thống về hệ tiêu hóa. Cá nâu có mặt gần khắp khu vực ĐBSCL, nhiều nhất là ở những cánh rừng ngập mặn, dọc theo bờ biển hoặc ven các đê chắn sóng. Người sành ăn nói với nhau, muốn thưởng thức những món cá nâu thiệt ngon thì phải về miệt Minh Hải cũ (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau). Cá xứ này thịt chắc, thơm và rất ngon.
Nguyễn Thị Việt Hà
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)