Với diện tích 47,6km2, Cô Tô gồm 50 đảo lớn nhỏ, có tiềm năng du lịch đặc sắc, trong đó đáng chú ý là đảo Cô Tô lớn, Cô Tô nhỏ, đảo Thanh Lân... Cảnh quan đặc trưng còn nguyên sơ, vẻ đẹp riêng của bãi cát và những giá trị về mặt địa chất độc đáo. Vùng biển Cô Tô được coi là đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao, như: tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, cá mú, mực, san hô sừng... Thế mạnh du lịch Cô Tô chính là du lịch sinh thái biển đảo và trải nghiệm, khám phá.
Ngoài những giá trị đặc trưng về biển, Cô Tô còn được đánh giá cao và thực sự hấp dẫn du khách bởi gắn liền với đó là đa dạng sinh thái, các giá trị cảnh quan, địa chất độc đáo. Gắn liền với biển là các hệ sinh thái rừng, sự đa dạng về sinh thái tạo nên cảnh đẹp tự nhiên, phong phú không chỉ là chức năng phòng hộ mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên với nhiều loại động vật hoang dã. Đây là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa mạo hiểm và nghiên cứu khoa học, thực hiện những trải nghiệm khám phá.
Bên cạnh đó, Cô Tô còn có một hệ thống di tích, danh thắng văn hoá độc đáo trải dài khắp các đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con, đảo Thanh Lân, như: Di tích khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô, bãi đá Móng Rồng, ngọn hải đăng cùng các giá trị văn hoá bản địa…
Theo Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đảo Cô Tô xác định mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vùng biển đảo Cô Tô, phát triển nhanh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững; phát triển mạnh và đa dạng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại.
Cùng với gìn giữ tài nguyên du lịch biển đảo, thời gian qua, Cô Tô chú trọng phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, làm “đòn bẩy” phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, tăng tốc du lịch. Với định hướng đó, Cô Tô đã dành ưu tiên cho phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch. Trong vòng 3 - 5 năm nay, bằng nguồn lực của tỉnh và địa phương, Cô Tô thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, tạo chuyển biến mới cho hạ tầng phục vụ du lịch.
Đó là mạng lưới giao thông, hệ thống cảng bến, đường xuyên đảo đồng bộ ở đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân; hoàn thành hồ chứa nước Trường Xuân dung tích 170.000m3, cải tạo hồ chứa nước C4, đầu tư trung tâm y tế, thương mại… Các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả không chỉ tháo gỡ được nhiều "điểm nghẽn” trong phát triển, trang bị cơ sở vật chất cho du lịch mà còn tạo diện mạo mới, khang trang cho đô thị biển thông minh trong tương lai.
Nhờ sự thay đổi hạ tầng, Cô Tô cũng là một trong các địa phương tiên phong trong việc thay thế xe ô tô chạy năng lượng hoá thạch bằng xe điện. Hiện Cô Tô triển khai phương tiện phục vụ chở khách tham quan quanh đảo chủ yếu bằng xe điện, xe máy. Theo thống kê, Cô Tô có khoảng 300 xe điện từ 7 - 14 chỗ, 500 xe máy, 200 xe đạp, đáp ứng cho việc đi lại, tham quan trên 10.000 khách/ngày.
Đồng thời, huyện cũng quan tâm kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các cơ sở lưu trú từ 3 - 4 sao, phát triển homestay phù hợp với cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, Cô Tô chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đội tàu vận chuyển, rút ngắn thời gian đi lại, “kéo” đảo gần bờ. Cho tới nay, Cô Tô đã có đội tàu cao tốc hiện đại 30 chiếc, tối đa có thể chạy 80 chuyến/ngày, rút ngắn thời gian ra đảo còn 60 - 80 phút so với 3 - 4 giờ trước đây.
Huyện rất chú trọng phát triển du lịch bền vững bằng việc khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng, kết nối các điểm đến, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó nhấn mạnh vai trò, sự tham gia của người dân, phát huy những giá trị văn hoá bản địa. Điển hình là việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tôn trọng bản sắc văn hóa, gắn với sự tham gia của cộng đồng, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái... Qua đó, bước đầu đã hình thành những khu vực với nhiều mô hình du lịch cộng đồng, các làng homestay mang đặc trưng sinh thái độc đáo.
Những nỗ lực đó đã góp phần xây dựng thành công các sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển là sản phẩm chủ lực thu hút cả khách du lịch quốc tế và nội địa đến với Cô Tô.
Các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng như: Trải nghiệm gắn với tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên tại rừng nguyên sinh Bắc Vàn, Hồng Vàn, Vàn Chảy tại xã Đồng Tiến, đảo Cô Tô con (Thanh Lân); du lịch văn hoá gắn với di tích lịch sử, làng chài truyền thống, điểm lễ hội... Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá, hiện đang thu hút khách du lịch đặc biệt là giới trẻ với những hoạt động “Một ngày làm ngư dân”, "Hành trình vì biển đảo quê hương”...
Cô Tô đang tạo được những cơ sở vững chắc, có những bước tiến quan trọng trong phát triển du lịch dịch vụ cũng như hiện thực định hướng phát triển du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao trong tương lai.
Lan Anh