VQG Cát Tiên thuộc địa phận của 3 tỉnh: Ðồng Nai, Bình Phước và Lâm Ðồng với tổng diện tích 71.350ha. VQG Cát Tiên hiện có 1.610 loài thực vật, trong đó có 38 loài có giá trị bảo tồn gen, 22 loài đặc hữu, 511 loài cây gỗ, 550 loài cây thuốc và nhiều loài có giá trị khác. Về động vật, VQG Cát Tiên đã ghi nhận được 103 loài thú, 348 loài chim, 120 loài bò sát và lưỡng thể, 130 loài cá nước ngọt, 435 loài bướm; nhiều loài động vật quý hiếm, đặc hữu thuộc Sách đỏ Việt Nam và thế giới...
VQG Cát Tiên có địa hình chủ yếu là rừng núi, khung cảnh thiên nhiên Cát Tiên rất đa dạng: có đồi, có bãi ven sông, có các trảng cỏ rộng lớn và cả những dòng chảy khá dốc. Đây là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong khu vực Ðông Nam Bộ, với nhiều loại hình đặc sắc như quan sát chim, thú, cắm trại, đi thuyền trên sông, du lịch mạo hiểm.
Đến tham quan VQG Cát Tiên, ngay từ quầy mua vé, du khách đã được nhân viên yêu cầu bỏ lại tất cả những thứ liên quan đến túi ni lông, nhựa dùng một lần. Thay vào đó, vườn sẽ phát những chiếc túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để du khách đựng đồ khi vào vườn. Ngoài ra, nhân viên của vườn cũng hướng dẫn khách sử dụng các vật dụng thay thế là túi vải với giá 10 ngàn đồng/túi. Sau khi kết thúc tham quan, túi vẫn còn sạch, không bị rách, du khách có thể trả lại túi và nhận lại số tiền đã mua.
Lối đi trong VQG đều thấy những thông điệp xanh về bảo vệ môi trường như: tiết giảm, tái sử dụng, tái chế; thách thức không sử dụng nhựa dùng một lần; bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống… Phía trước khu vực đón khách, Ban Quản lý VQG đặt những tấm bảng tuyên truyền về tác hại của túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đất và nước, bởi chúng lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn, làm cho đất bạc màu, từ đó khiến cây trồng chậm tăng trưởng.
Theo Ban Quản lý VQG Cát Tiên, từ năm 2012, vườn đã phát động hạn chế sử dụng túi ni lông khi vào vườn cũng như kêu gọi du khách sử dụng túi giấy để bảo vệ môi trường. Khi mới triển khai, nhân viên trong vườn cùng nhau làm túi giấy và phát miễn phí cho khách. Sau một thời gian, vườn đổi lại loại túi thân thiện có thể tái sử dụng nhiều lần, chất lượng tốt hơn. Việc không sử dụng túi ni lông khi vào vườn giờ đã trở thành thói quen, thành quy định. Khách du lịch không tuân thủ sẽ bị từ chối phục vụ.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ở VQG Cát Tiên rất quan trọng không chỉ đối với môi trường mà còn với cả đời sống của người dân. Vì vậy, ngoài việc nói không với túi ni lông, VQG Cát Tiên còn để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách khi nơi đây đang thực hiện mô hình du lịch như một cách để tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Lãnh đạo Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ, VQG Cát Tiên cho biết, đơn vị đang khai thác 20 tuyến du lịch, trong đó có nhiều tour đặc sắc, luôn cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Vườn có một đơn vị chuyên quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật rừng; nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái. Nhờ đó, VQG Cát Tiên đã trở thành viên ngọc xanh, có tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ về môi trường mà còn đến cuộc sống của cộng đồng trong khu vực. Điều đặc biệt ở trung tâm du lịch của VQG Cát Tiên là tất cả thực đơn trong các dãy nhà hàng không có món thịt thú rừng. Du khách không được phép mang thịt thú rừng từ ngoài vào. Nhân viên nhà hàng nào để du khách sử dụng thịt thú rừng sẽ bị sa thải.
Cũng chính từ quan điểm du lịch không túi ni lông, du lịch xanh này mà du khách khi đặt chân tham quan VQG Cát Tiên thường chọn giải pháp: đi bộ, đạp xe hoặc xe điện chuyên dụng.
Với những việc làm và hành động thiết thực trên, năm 2020, VQG Cát Tiên được trao giải thưởng môi trường Việt Nam. Đây là giải thưởng của Bộ Tài nguyên – Môi trường nhằm ghi nhận những nỗ lực bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Lan Phương