Ngày 26/5/2009, Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13/4/2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận VQG Mũi Cà Mau trở thành khu ramsar thứ 2.088 của thế giới. Các đặc điểm của hệ sinh thái đất ngập nước nơi đây tiêu biểu cho vùng sinh thái ven biển, nên trở thành điểm du lịch và tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.
Hệ động, thực vật rừng VQG Mũi Cà Mau tuy không đa dạng về loài, nhưng do vị trí địa lý và đặc điểm riêng biệt về rừng đã tạo cho nơi đây một giá trị khoa học và sinh thái tiêu biểu. Hệ thực vật ở đây có 27 loài cây ngập mặn với quần thể gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, vẹt và rừng mắm; trong đó có 2 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi và quao nước.
Còn hệ động vật tiêu biểu là lớp chim với 93 loài, thuộc 33 họ và 9 bộ; có 11 loài chim quý hiếm, 7 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 7 loài bị đe dọa cấp toàn cầu và 1 loài được nêu trong Nghị định 32 của Chính phủ. Đây là nguồn gen quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn. Khu hệ thú có 26 loài thuộc 11 họ và 8 bộ, trong đó có 11 loài thuộc diện quý hiếm, có 6 loài đang bị đe dọa cấp toàn cầu... Đặc biệt, hai loài thú có trong sách đỏ IUCN là 2 loài linh trưởng (khỉ đuôi dài và cà khu)... Về thủy sản đã xác định được 139 loài cá, thuộc 21 bộ, 55 họ, 89 giống với nhiều loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Tuy vậy, trước tác động của việc phát triển kinh tế, sự thay đổi sinh kế của người dân, xói lở hàng năm, những bất cập trong quản lý khu bảo tồn... đã và đang làm suy giảm tính đa dạng sinh học, nhất là giảm diện tích của rừng ngập mặn nơi đây.
Do đó, cần phải có các giải pháp quản lý tốt hơn đối với VQG Mũi Cà Mau, trong đó phải đặc biệt lưu ý đến sinh kế của người dân địa phương, vì các tác động đến tài nguyên đa dạng sinh học hầu hết là do các hoạt động của con người gây ra. Trước hết, cần ổn định và nâng cao đời sống cho dân cư trong vùng để giúp họ tránh được các hành vi phá rừng và đánh bắt thủy, hải sản bừa bãi. Đồng thời, cần nghiên cứu, thực hiện việc chi trả dịch vụ hệ sinh thái, xem đây là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng.
Mục tiêu đặt ra cho VQG Mũi Cà Mau trước hết là bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội, để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đất Mũi đa dạng trong quá trình biến đổi của tự nhiên. Mặt khác, VQG Mũi Cà Mau còn phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dựng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước. Bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú của các loài sinh vật vùng ven biển, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất ở vùng ven biển nơi đây.
Theo đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã chủ động tổ chức và phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan, dự án của các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống ven địa bàn quản lý của Vườn quốc gia, về các văn bản pháp quy của Nhà nước, phổ biến pháp luật và thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, biển. Nhất là đối với đối tượng là học sinh về vấn đề quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất ngập nước...
Để bảo tồn sự đa dạng sinh học của môi trường rừng, những năm gần đây, Ban Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã chủ động phối hợp với các sở, ngành đơn vị và chính quyền địa phương các cấp triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Trước tiên, Vườn cùng với chính quyền địa phương thống nhất quan điểm bảo vệ rừng đặc dụng là bảo vệ hệ sinh thái; mọi hoạt động tác động, cả tác động vật lý, hoá học, sinh học đến môi trường rừng phải được ngăn chặn kịp thời và có chiều sâu. Công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên lâm phần không chỉ là trách nhiệm riêng của Vườn mà rất cần sự chung tay, hỗ trợ chặt chẽ, thống nhất của các cơ quan, đơn vị và cả người dân. Hàng năm, Vườn đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương về công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đối với người dân, Vườn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông địa phương, các bảng quảng cáo, các buổi tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, các ấn phẩm...
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, VQG Mũi Cà Mau luôn chú trọng công tác tổ chức, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho viên chức, người lao động nhằm hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu, các viện, trường, ngoài các định hướng nghiên cứu, phát triển trung và dài hạn.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đang tích cực xây dựng và triển khai các đề án, phương án, với giải pháp thực hiện phải đạt mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ sinh kế cho người dân trên, xung quanh lâm phần, vùng biển. Đặc biệt những năm gần đây, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái c���ng đồng mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao sinh kế, thông qua tạo việc làm tại chỗ, nguồn lực sẵn có tại địa phương như khai thác các loài cá, tôm, vọp, cá trong vuông tôm để chế biến các món ăn phục vụ du khách, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển bền vững.
Lan Phương