
Cuộc họp Cơ quan du lịch quốc gia các nước ASEAN
Cuộc họp Cơ quan du lịch quốc gia các nước ASEAN lần thứ 36 diễn ra từ ngày 27 - 28/6/2012, có sự tham gia của đại diện Cơ quan du lịch quốc gia 10 nước ASEAN, các nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, Hiệp hội Du lịch ASEAN và một số diễn đàn hợp tác khác trong khu vực có liên quan đến phát triển du lịch. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Tổng Thư ký Bộ Du lịch Malaysia đồng chủ trì.
Nội dung cuộc họp nêu rõ tình hình phát triển du lịch chung trong khu vực ASEAN. Năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đến ASEAN đạt trên 81 triệu lượt khách (tăng 10,14% so với năm 2010); lượng khách nội khối ASEAN chiếm 46,5%. Tất cả các nước ASEAN đạt mức tăng trưởng dương về khách du lịch, trong đó Thái Lan và Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất với trên 19%, tiếp đến là các nước Campuchia (gần 15%), Singapore (trên 13%). Về số lượng, Malaysia đón được nhiều khách du lịch nhất với 24,7 triệu lượt, tiếp đến là Thái Lan (trên 19 triệu) và Singapore (trên 13 triệu).
Cuộc họp đã thảo luận về một số nội dung liên quan đến du lịch của Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tổ chức vào 3 - 4/4/2012 tại Phnom Penh, Campuchia và cuộc họp Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN lần thứ 15 tại Manado, Indonesia nhân dịp Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2012 vừa qua. Đồng thời, cuộc họp rà soát tiến độ triển khai Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015, tập trung vào ba nhóm nội dung chính gồm: phát triển sản phẩm du lịch; tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; marketing du lịch.
Về phát triển sản phẩm du lịch ASEAN: cuộc họp đã trao đổi về việc hình thành các gói sản phẩm du lịch khu vực liên kết giữa các nước ASEAN theo các nhóm: du lịch tàu biển, du lịch đường sông; du lịch văn hóa và du lịch gắn với các di sản; du lịch gắn với thiên nhiên; du lịch cộng đồng.
Về tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng: cuộc họp tiếp tục thảo luận để hoàn thiện các Tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ du lịch, Tiêu chuẩn dịch vụ làm đẹp, Tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN. Việt Nam và Phillipines, hai nước đồng chủ trì xây dựng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN để ứng phó với biến đổi khí hậu, đã trình bày các kế hoạch triển khai để các nước ASEAN cho ý kiến, từ đó hình thành một Kế hoạch tổng thể triển khai nội dung này. Các nước cũng đã cập nhật tình hình chuẩn bị triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA), trong đó đặc biệt lưu ý việc thành lập các cơ quan thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch, các hội đồng nghề du lịch.
Về marketing du lịch: cuộc họp đã nghe Điều phối viên về marketing du lịch vừa được Ban thư ký ASEAN ký hợp đồng tuyển dụng trình bày về kế hoạch triển khai Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012-2015, với logo và slogan du lịch ASEAN mới Southeast Asia - Feel the Warmth (Đông Nam Á – cảm nhận sự ấm áp). Mục tiêu chính là quảng bá ASEAN để thu hút khách quốc tế cũng như khách nội khối đi du lịch ASEAN, thúc đẩy để du khách kết hợp thăm nhiều nước trong cùng chuyến đi. Ngoài việc quảng bá chung cho các đối tượng khách đại chúng, các thị trường sẽ được quan tâm nhiều hơn là Trung Quốc và Ấn Độ. Phương thức quảng bá chính sẽ thông qua các trang thông tin điện tử, quảng bá trực tuyến, mạng xã hội, đồng thời kết hợp quảng bá logo và slogan của du lịch ASEAN trong các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá của mỗi nước thành viên... Bên cạnh đó, việc kết hợp với Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA) cũng sẽ được trao đổi để có kế hoạch cụ thể.
Cuộc họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN với các đối tác
Cuộc họp Nhóm công tác du lịch các nước ASEAN+Ấn Độ lần thứ 9 được tổ chức vào ngày 29/6/2012 đã trao đổi thông tin về kết quả hoạt động du lịch thời gian qua, đồng thời thảo luận về hướng hợp tác du lịch ASEAN+Ấn Độ trong thời gian tới. Về lượng khách năm 2011, theo thống kê sơ bộ Ấn Độ đón khoảng 6,3 triệu lượt khách quốc tế (số khách ASEAN đi du lịch Ấn Độ năm 2010 là gần 440.000 lượt) và khoảng gần 2,9 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch các nước ASEAN. Trong 6 tháng cuối năm 2012, dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động hợp tác du lịch ASEAN+Ấn Độ như trao đổi đoàn cấp Bộ, các nhà báo viết về du lịch, các hãng lữ hành và điều hành du lịch, giao lưu giữa giáo viên và sinh viên, tổ chức hội thảo, hội chợ, phát động thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức cuộc đua ô tô Ấn Độ - ASEAN...
Cuộc họp đã thảo luận về dự thảo Nghị định thư sửa đổi Bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác du lịch giữa ASEAN và Ấn Độ đã được ký tại ATF 2012. Nội dung sửa đổi là đề xuất của Malaysia, đề nghị bổ sung thêm Điều 10: Các quyền và mối quan tâm khác vào Bản Ghi nhớ. Nội dung Điều 10 bổ sung chỉ mang tính thủ tục theo luật pháp của Malaysia và không làm thay đổi nội dung của MOU. Ban thư ký ASEAN sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết với các bên để tiến tới ký kết Nghị định thư này nhân dịp ATF 2013 tại Lào.
Cuộc họp Cơ quan du lịch quốc gia các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) lần thứ 21 được tổ chức vào ngày 30/6/2012 đã nghe báo cáo kết quả hoạt động du lịch thời gian qua, đồng thời thảo luận về hướng hợp tác du lịch ASEAN+3 trong thời gian tới. Về trao đổi khách năm 2011, Trung Quốc có trên 7,3 triệu lượt đi du lịch ASEAN và đón gần 5,7 triệu lượt khách từ ASEAN, Hàn Quốc đi 3,9 triệu lượt và đón gần 1,3 triệu lượt, Nhật Bản đi gần 3,7 triệu lượt và đón trên 500 ngàn lượt. Các hoạt động hợp tác du lịch ASEAN+3 thời gian qua thông qua các Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo cho các nước ASEAN, phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ, hội thảo du lịch, xây dựng các trang thông tin điện tử, in bản đồ và các ấn phẩm quảng bá du lịch... Trong giai đoạn từ 2013-2017, dự kiến các hoạt động hợp tác du lịch giữa ASEAN+3 sẽ tập trung vào 6 nhóm hoạt động chính gồm: du lịch có chất lượng; đào tạo về kiến thức và nghiệp vụ du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; trao đổi thông tin, số liệu thống kê và cơ hội đầu tư du lịch; phát triển du lịch tàu biển; thiết lập cơ chế truyền thông ứng phó với khủng hoảng.
Cuộc họp đã thảo luận về dự thảo Biên bản hợp tác du lịch (MOC) giữa ASEAN+3. Vướng mắc hiện nay vẫn là vấn đề thủ tục. Mặc dù văn bản hợp tác này không có ý nghĩa ràng buộc về pháp lý nhưng theo quy định của nước mình Malaysia chỉ có thể ký Biên bản hợp tác ở cấp Chính phủ trong khi Nhật Bản chỉ có thể ký ở cấp Cơ quan du lịch quốc gia. Về vấn đề này, Ban thư ký ASEAN sẽ trao đổi thêm với Bộ Ngoại giao 2 nước này để tìm phương án xử lý và tiến tới ký kết nhân dịp ATF 2013 tại Lào.
Đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu quan điểm, đóng góp ý kiến đối với nhiều nội dung thảo luận tại các cuộc họp, đảm bảo lợi ích chung cho du lịch các nước ASEAN và lợi ích cũng như vị thế của Du lịch Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động chính thức, đoàn Việt Nam cũng đã tranh thủ tiếp xúc và trao đổi song phương với đại diện một số nước và tổ chức như đoàn Cơ quan du lịch quốc gia Thái Lan, Singapore, Lào, Phillipines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc... để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương.
Mai Vân