Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, Học viện William Angliss, Dự án EU, Dự án Luxembourg, Tổng cục Dạy nghề, các cơ sở đào tạo và khách sạn ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Phú Cường cho biết: Việc phát triển bộ công cụ nghề này tiếp tục triển khai dự án ASEAN về phát triển Chương trình du lịch chung ASEAN (CATC) và Khung tiêu chuẩn cho các chuyên gia trong ngành Du lịch. Từ tháng 10/2010, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Học viện Williams, nhóm chuyên gia dự án đã đưa ra 46 công cụ ưu tiên phát triển kỹ năng nghề du lịch về nghiệp vụ buồng.

Giám đốc Dự án Wayne Crosbie (Học viện William Angliss) giới thiệu về bộ công cụ phát triển kỹ năng nghề du lịch tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhóm, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, đánh giá về kỹ năng nghiệp vụ buồng, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn các công cụ hướng dẫn nghiệp vụ buồng để sử dụng trong Chương trình đào tạo giảng viên trong nội khối ASEAN, đồng thời đề xuất các hoạt động trong khuôn khổ dự án trong thời gian tới.
Trong Kế hoạch chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2011 – 2015, ASEAN đặt trọng tâm hướng tới phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là thực hiện Thỏa thuận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA) với nhiều giải pháp đồng bộ về: xây dựng các công cụ phát triển nguồn nhân lực; đào tạo giáo viên, kiểm định viên; thiết lập hệ thống đăng ký nghề du lịch ASEAN; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tương đương trong ASEAN; thành lập Ban thư ký để hỗ trợ sáng kiến này ở tầm khu vực. Những nội dung này sẽ góp phần giúp các nước thành viên ASEAN sẵn sàng hơn trong tiến trình xây dựng cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là về lưu chuyển dịch vụ và lao động có kỹ năng.
PV