
Chùa Mía
Chùa Mía được xây dựng vào thời Trần, nằm trên một ngọn đồi đá ong, có quy mô lớn, được chia ra làm ba khu tách bạch. Phía ngoài cùng là gác chuông, tiếp đó là mảnh sân, ở phía bên góc phải là một cây đa vài trăm tuổi, tán lá sum suê che mát cả một khoảng rộng, tạo cho khu chùa Mía một cảnh yên tĩnh mát mẻ và linh thiêng.
Gác chuông của chùa là ngôi nhà 3 gian làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Trên gác treo một quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1864).

Tháp Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Mía
Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức phật.
Trong tiền đường, ở gian phải có tấm bia khắc năm1634, nói về việc trùng tu chùa năm 1632. Bia trang trí đẹp, cao hơn 1,6m, rộng 1,2m, dựng trên lưng một con rùa. Gian trái tiền đường có bàn thờ chúa Liễu Hạnh. Sau tiền đường là chùa Trung, tiếp theo là chùa Thượng - hậu đường. Có hai dãy hành lang nối chùa Trung và chùa Thượng, bao quanh lấy phật điện ở giữa. Chùa Trung và chùa Thượng còn giữ được bộ khung gỗ mà có nhiều phần điêu khắc có từ thế kỷ 17.
Tháng 5/2006, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh kết hợp với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó có chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, có đến 287 pho tượng lớn, nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng.

Tấm biển gắn ở chùa Mía
Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị khác, trong đó phải kể đến tấm bia đá lớn được làm từ năm 1634, cao 1,8m, rộng 1m, dựng trên lưng một con rùa, được trang trí rất đẹp bằng các nét trạm nổi trau chuốt xen kẽ giữa rồng và hoa lá, quả chuông lớn bằng đồng nặng 4 tạ đúc năm 1745, chiếc khánh đồng đúc năm 1846.
Trong một động có cả tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn, pho tượng Tuyết Sơn và Quan Âm Tống Tử cao 0,76 m.
Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo, với quy mô bề thế và đẹp. Sau gần 4 thế kỷ tồn tại, chùa Mía là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất và đẹp nhất của xứ Đoài nói riêng và Việt Nam nói chung. (Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa Mía đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt ngày 31/1/1964.
Hồ Sĩ Tá