Sự kiện nhằm giới thiệu, tuyên truyền các điểm đến du lịch Thanh Hóa qua ứng dụng du lịch thông minh; đồng thời, hưởng ứng Chương trình mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 của Bộ VHTTDL. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc đã tham dự sự kiện.
Dự án du lịch thông minh tại Thanh Hóa được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng như: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch. Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hóa du lịch tại các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Khu du lịch cộng đồng Pù Luông, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên…
Trong giai đoạn 2, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí. Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm được lắp dựng hệ thống wifi phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch, dịch vụ được lắp tại các khu du lịch trọng điểm như Cảng hàng không Thọ Xuân, ga Thanh Hóa, cửa khẩu quốc tế Na Mèo…
Trong khuôn khổ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh, Thanh Hóa đồng thời công bố đón khách tham quan Chính điện Khu Di tích quốc gia đặc biệt (KDT) Lam Kinh sau quá trình phục dựng thành công. Chính điện KDT Lam Kinh đã sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch tham quan, đưa du khách ngược dòng lịch sử trở về sống trong không gian quá khứ của thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Du khách sẽ được biết đến những sự tích linh thiêng, huyền bí từ những công trình trong KDT như Chính điện, Thái Miếu, Nghinh Môn, sân Rồng, Cầu Bạch, sông Ngọc, giếng cổ, bia đá...
Đặc biệt, công trình Chính điện KDT Lam Kinh được phục dựng tái hiện phần nào diện mạo ban đầu. Sau hơn 10 năm phục dựng, Chính điện đã hoàn thành với kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê; là một công trình kiến trúc gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, các hoa văn trang trí trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng; các linh vật, vân mây, hoa lá thời Lê, chạm nổi, chạm bong một số lớp có độ sâu dao động từ 10cm – 20cm. Mái lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung… Phần nội thất Chính điện cũng cơ bản được hoàn thiện.
Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa Chính điện ví như linh hồn của di sản, mang lại cho KDT Lam Kinh diện mạo của một kinh đô cổ xưa trên vùng đất xứ Thanh địa linh, nhân kiệt.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao ý nghĩa và sự kịp thời của sự kiện ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện KDT Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số ở các địa phương, Thanh Hóa là 1 trong 4 địa phương được TCDL lựa chọn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các chương trình hợp tác chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch địa phương một cách bền vững, lâu dài. “Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của Thanh Hóa sẽ được nâng tầm, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, tạo ra diện mạo mới đầy sức cuốn hút của Du lịch xứ Thanh”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết TCDL sẽ tiếp tục hỗ trợ Thanh Hóa trong việc kết nối cơ sở dữ liệu du lịch, truyền thông quảng bá du lịch, khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm đến tham gia ứng dụng du lịch thông minh. “Tôi tin tưởng rằng, Thanh Hóa sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; tập trung chuyển đổi số, tạo bước đột phá đưa du lịch phục hồi và phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Du lịch Việt Nam.” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.
Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã yêu cầu ngành Du lịch Thanh Hóa nỗ lực đưa du lịch phục hồi nhanh, phát triển mạnh. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: “Du lịch Thanh Hóa cần duy trì thích ứng linh hoạt, ưu tiên bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến và an toàn cho du khách. Mặt khác, đẩy mạnh kích cầu tại các thị trường trọng điểm kết hợp xúc tiến quảng bá thu hút khách; phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh, gắn với xây dựng sản phẩm mới đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển du lịch; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng nhân lực thiếu hụt sau dịch bệnh COVID-19. Đối với KDT Lam Kinh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu triển khai ngay phương án vận hành, bảo vệ, khai thác công trình đảm bảo hiệu quả, an toàn và hấp dẫn; không ngừng hoàn thiện, làm mới sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Thanh Hoàng