Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2025”.
Nhận thức tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, ngành Du lịch đã và đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành Du lịch. Thông tin tại diễn đàn về vấn đề này, Phó Tổng cục trư���ng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, TCDL đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính gồm: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19”; hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số (triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh từ năm 2021; hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan); hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch...
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện. Một số giải pháp TCDL đưa ra nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành; đó là, (1) Tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (2) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch; (3) Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành Du lịch gồm: trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá Du lịch Việt Nam trên nền tảng số; (4) Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành Du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch. (5) Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…; (6) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành Du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; (7) Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch; (8) Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Đề cập đến phát triển kinh tế số du lịch trong chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp – Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam đã có cách tiếp cận chuyển đổi số riêng, thận trọng, từng bước nhưng không bỏ lỡ thời cơ. Điểm đột phá trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, vấn đề số hóa hiện nay không chỉ là chiến lược tất yếu mà các doanh nghiệp phải ứng dụng để nâng cao cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Ứng dụng từ thực tiễn
Chia sẻ trực tuyến về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai số hóa trong công tác xúc tiến và đẩy mạnh truyền thông Du lịch TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành Du lịch nói chung, đặc biệt là sự phát triển của du lịch sau đại dịch COVID-19, Sở Du lịch TP.HCM đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2030 với 2 nội dung quan trọng: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch và tăng cường thu hút và trải nghiệm cho du khách và người dân.
Đặc biệt, Sở đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý như: vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; nâng cấp cổng thông tin điện tử của Sở, xây dựng và vận hành riêng trang web thông tin giới thiệu Du lịch Thành phố www.visithcmc.vn; đã vận hành các trang thông tin trên mạng xã hội: facebook, youtube, instagram, thường xuyên đăng tải thông tin mới nhất về hoạt động du lịch thành phố nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần Thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động; triển khai vận hành cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka); đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về Du lịch với những giải pháp thiết thực, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ 100% thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 4 tại Sở Du lịch; dự án tích hợp thông tin dịch vụ du lịch Thành phố.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ phối hợp với TCDL và các công ty công nghệ triển khai xây dựng ứng dụng OneApp cung cấp tất cả các thông tin và dịch vụ trực tuyến cho khách du lịch quốc tế đến TP.HCM; xây dựng sàn giao dịch dịch vụ du lịch; phối hợp các tổ chức du lịch quốc tế triển khai TPO Card và TPO Apps.
Đề cập đến đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số trong du lịch, kinh nghiệm chuyển đổi số từ quốc tế, ông Daika Ginz – Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hệ sinh thái Uniworld cho biết, thị trường du lịch đã vượt ngưỡng 8 nghìn tỷ USD năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7%, thị trường du lịch được kỳ vọng sẽ đạt giá trị 11,38 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Sự bùng nổ của công nghệ Blockchain những năm gần đây đã giúp cho ngành Du lịch có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cấp hệ thống, giảm chi phí vận hành, và nâng cao trải nghiệm của người dùng; đồng thời, ngành Du lịch có thể tận dụng tối ưu sự ưu việt của những cơ sở hạ tầng Blockchain.
Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vietsens cho rằng, du lịch là ngành đặc thù với sản phẩm rất đặc trưng; khác với các sản phẩm có trải nghiệm người dùng chủ yếu diễn ra ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị (mua hàng, CSKH, bảo hành/sửa chữa), sản phẩm du lịch là tổ hợp của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm người dùng diễn ra trong suốt chiều dài của chuỗi giá trị ngành Du lịch. Bởi vậy, việc triển khai cần hoàn chỉnh để nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng nghĩa với việc mọi khâu trong chuỗi giá trị phải tốt, mọi liên kết trong chuỗi giá trị cũng cần phải chặt chẽ.
Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cũng tập trung trao đổi về cơ hội của công nghệ chuyển đổi số và thách thức đối với sự cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài; quản trị, ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch; những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số…
Trước thềm Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3/2022, Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh – Chuyên đề I: Mở cửa du lịch Linh hoạt – An toàn – Hiệu quả vào ngày 11/3/2022. Sau 2 tháng mở cửa, nhiều dự báo và hàng loạt kiến nghị chính sách, giải pháp và các diễn giả và doanh nghiệp đưa ra trong Diễn đàn đã và đang trở thành hiện thực. Du lịch Việt Nam theo đó đã nhận được nhiều tín hiệu vui từ sự bùng nổ số lượng du khách nội địa. Để ngành Du lịch thực sự hồi sinh và tăng tốc trong chặng đua mới, ngành Du lịch Việt cần chuyển đổi số để tự “cứu lấy mình” sau cơn bão dịch bệnh COVID-19. |
Anh Minh