Chung tay tìm giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với Du lịch Việt Nam
“Hội nghị tập trung mục tiêu đưa ra nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu của các doanh nghiệp du lịch nhằm hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của dịch nCoV tới hoạt động du lịch hiện nay, hướng tới tập trung nguồn lực và trí tuệ của toàn ngành để khi dịch vừa chấm dứt thì có thể khôi phục sớm nhất hoạt động của ngành Du lịch.” - đó là điều được ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Bên cạnh đầu cầu Hà Nội, hội nghị có sự tham gia của 5 đầu cầu trực tuyến các tỉnh thành phố gồm: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh. Tại hội nghị, 24 ý kiến đã được đưa ra trong một thời gian ngắn đến từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch khắp các địa phương trong cả nước, đại diện cộng đồng doanh nghiệp du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch... nêu rõ tình hình các bên đã ứng phó như thế nào trước tình hình dịch nCoV đột ngột, đồng thời kiến nghị các vướng mắc và đề xuất giải pháp triển khai trong thời kỳ chống dịch và khắc phục sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Nhận định so với dịch SARS cách đây 17 năm thì ảnh hưởng của dịch nCoV đã tác động mạnh mẽ hơn tới ngành Du lịch, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu rõ: Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì, do vậy nhiều khách du lịch hiện còn đang mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hoà, Đà Nẵng... Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc “khủng hoảng” tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Theo đại diện các địa phương chưa có dịch như Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định… công tác phòng chống dịch nCoV đang được triển khai nghiêm túc theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, các doanh nghiệp đã triển khai khử trùng môi trường làm việc, phát khẩu trang cho khách du lịch đang sử dụng dịch vụ của đơn vị mình; phối hợp với ngành Y tế xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ… Đối với các địa phương bị tác động và thiệt hại ngay lập tức do thị trường khách Trung Quốc lớn như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai… cũng có nhiều biện pháp kiên quyết chống dịch, hạn chế khách đến từ các vùng có dịch… bên cạnh đó tranh thủ thời gian tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển hướng khảo sát thị trường nội địa và các thị trường khách quốc tế khác, trước khi thị trường khách Trung Quốc khôi phục. Lào Cai đã quyết liệt đóng cửa các cửa khẩu, cấm khách Trung Quốc nhập cảnh và không cho khách Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc, trường hợp khách Việt Nam trở về từ Trung Quốc lập tức được đưa ngay sang khu vực cách ly. Riêng Vĩnh Phúc đang là tâm điểm chú ý với nhiều ca nhiễm dịch, cũng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch như: cho học sinh nghỉ học, khoanh vùng bị dịch, tăng cường các biện pháp y tế cho các điểm du lịch như Tam Đảo, Tây Thiên… để du khách có thể yên tâm.
Trước các thiệt hại rõ ràng nhìn thấy, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị sớm có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc cụ thể liên quan đến bồi hoàn dịch vụ hàng không, tàu, xe hoặc có cơ chế lùi lịch; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giảm hoặc hoãn nộp thuế; kiến nghị ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng; xem xét lại việc tăng giá vé tham quan tại các khu điểm du lịch mới đây sẽ gây trở ngại lớn dẫn tới khó cạnh tranh với các nước trong khu vực khi dịch chấm dứt...
Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hiệp hội du lịch các địa phương sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam (tiền điện nước, thuê đất theo NQ 08, giảm thuế VAT, miễn visa...); phát huy mối quan hệ gần gũi với hiệp hội du lịch các nước là thị trường của Du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch (trước mắt triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký giữa VISTA và JATA, VISTA và ASTA để thu hút khách từ hai thị trường Nhật Bản và Mỹ); phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và hiệp hội các địa phương về: công nghệ 4.0 trong du lịch; xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam; và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp du lịch tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng chống dịch nCoV, đồng thời thực hiện và hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch thực hiện; theo dõi thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp; có biện pháp quản lý chặt chẽ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, nhân dân ở điểm đến; quan tâm nghiêm túc tới công tác bảo hiểm cho khách du lịch.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, thông tin du lịch có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp nhằm tạo sự tin tưởng của du khách quốc tế. Đặc biệt, thúc đẩy du lịch nội địa và tăng cường kích cầu du lịch nội địa sẽ là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Ngay trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0.
Hạ Tinh