SỨC HÚT TỪ DU LỊCH BÌNH ĐỊNH
Bình Định có những bãi biển quanh năm tràn ngập nắng vàng, sắc trời xanh, cát mịn, từ lâu đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, đảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài... Bên cạnh các vịnh nổi tiếng, nhiều đầm mang những vẻ đẹp hoang sơ như đầm Thị Nại, khu bảo vệ cảnh quan như Quy Hòa - Gềnh Ráng là tài nguyên du lịch hấp dẫn,… đều có thể khai thác phát triển du lịch. Bình Định có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo thể hiện qua các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ; lễ hội văn hóa dân gian; ca múa nhạc; ẩm thực; làng nghề thủ công truyền thống; các bảo tàng và cơ sở văn hóa nghệ thuật; yếu tố con người và bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các dân tộc miền núi. Tại vùng đất này nổi bật là các giá trị văn hóa Chămpa đặc sắc và văn hóa cộng đồng dân cư ven biển đa dạng, phong phú. Đây là cơ sở để phát triển các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng cho thương hiệu không chỉ cho Bình Định mà cho cả toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ có sức hấp dẫn khách du lịch rất cao.
Mảnh đất Bình Định có bề dày lịch sử với nền Văn hóa Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa còn lưu giữ những di sản là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tháp Đôi, Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long..., qua hàng trăm năm tồn tại, dù có bị xuống cấp, nhưng vẫn lung linh nét huyền ảo, thu hút khách du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Hệ thống di tích chiến tranh gắn với các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng đối với phát triển du lịch của Bình Định. Nổi bật trong hệ thống tài nguyên du lịch trên là các di tích gắn với khởi nghĩa Tây Sơn và các di tích danh thắng trong toàn tỉnh. Đây cũng là nơi xuất phát của phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; là quê hương của các danh nhân như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát, Quách Tấn...
Bình Định nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ, có các lò võ cổ truyền, với 96 võ đường, câu lạc bộ võ thuật. Tỉnh đã 4 lần tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền nhằm hướng tới mục đích chấn hưng võ cổ truyền Bình Định, đưa tinh hoa văn hóa Việt ra khắp năm châu. Năm 2013, võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nền văn hóa đa dạng phong phú ở Bình Định với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, hò bá trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: lễ hội Đống Đa – Tây Sơn, lễ hội Cầu ngư, lễ hội của các dân tộc miền núi... để lại nhiều dấu ấn trong du khách. Đây cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, tạo dấu ấn riêng có của Du lịch Bình Định.
Trong các đặc sản từ biển của Bình Định, có những loại thực phẩm cao cấp như bào ngư, tôm hùm, cua huỳnh đế, mực… ngon nổi tiếng và rẻ. Các sản phẩm hàng hóa khác từ biển như hàng hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm cũng rất có giá trị đối với du lịch. Ngoài các đặc sản về lâm, thổ, thuỷ, hải sản, Bình Định còn nổi tiếng với rượu Bàu Đá (An Nhơn), chình mun, cá chua nước lợ (Châu Trúc - Phù Mỹ), bánh tráng nước dừa (Tam Quan), bún song thằn và bánh hỏi, nem chả Chợ Huyện, bánh ít lá gai, bánh tráng Trung Thành. Ngày nay ở huyện Hoài Nhơn còn có thêm đặc sản cá ngừ Đại Dương dân địa phương gọi là cá "bò gù".
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Bình Định hình thành nhiều công trình phục vụ kinh tế - xã hội và cảnh quan đô thị đã trở thành tài nguyên du lịch có giá trị như cầu Thị Nại và khu kinh tế Nhơn Hội. Những tài nguyên này góp phần thu hút khách tham quan. Nhờ điều kiện địa lý thuận lợi nên các hoạt động vận tải trung chuyển trên đường thiên lý Bắc - Nam diễn ra sôi động đi qua tỉnh Bình Định. Vận tải đường bộ, đường không, đường biển trong nước và quốc tế giúp cho tiếp cận điểm đến du lịch Bình Định rất thuận lợi. Nhờ thế Bình Định đã trở thành một phần của tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”; “Con đường xanh Tây Nguyên”. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ đã có sự liên kết với nhau, Bình Định lại nằm ở giữa, nên sẽ được đón nhận sự lan toả hoạt động du lịch từ Đà Nẵng vào và từ Nha Trang ra. Điểm trung chuyển Bình Định có khả năng là mắt xích quan trọng để tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh vùng Du lịch Tây Nguyên, với cả nước trong đa dạng hóa sản phẩm…
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Du lịch Bình Định được xác định: “Phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương” và được thể chế hóa trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ngay từ năm 1996. Bước sang thế kỷ 21, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, cấp ủy và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao để thúc đẩy Du lịch Bình Định phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Năm 2013, Du lịch Bình Định đón được 1.696.284 lượt khách, tăng 16% so với năm 2012 (khách du lịch quốc tế đạt 138.859 lượt, tăng15%; khách nội địa đạt 1.557.425 lượt tăng 16% so với năm 2012). Hoạt động du lịch đã mang lại nguồn thu khoảng 603 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2014 hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh vẫn sôi động, ước có 1.056.324 lượt khách đến du lịch Bình Định, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 84.552 lượt; khách nội địa ước đạt 971.772 lượt khách). Hơn một triệu lượt khách đến Bình Định du lịch đã tạo ra nguồn thu xã hội cho Bình Định khoảng 366,197 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2013.
So sánh với hoạt động du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ ở từng chỉ tiêu cũng thấy được sự lớn mạnh của ngành Du lịch Bình Định. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2013 khách quốc tế đến Bình Định chiếm 3,63%, khách nội địa chiếm 12,10%, tổng thu du lịch chiếm 2,58%, số lượng buồng lưu trú chiếm 5,31% so với toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong giai đoạn 2000 - 2013, ngành Du lịch Bình Định tăng khá trưởng mạnh: khách quốc tế tăng 7,5 lần, khách nội địa tăng 15,2 lần, tổng thu xã hội từ du lịch tăng 12,7 lần, số lượng buồng lưu trú du lịch tăng 6,2 lần, tạo được số việc làm cho xã hội tăng 7,2 lần. Đặc biệt 5 năm vừa qua, ngành Du lịch tỉnh Bình Định khởi sắc hơn. Mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt khoảng 20%/năm; khách nội địa trên 20%; và thu nhập xã hội từ du lịch tăng khoảng 30%. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tập trung ngân sách đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước cho khu du lịch quốc gia Phương Mai - Núi Bà như Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã hoạch định.
Tuy vậy, cũng dễ thấy rằng, trong quá trình phát triển, Du lịch Bình Định còn bộc lộ một số hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Số lượt khách quốc tế chưa nhiều, lượt khách du lịch nội địa và thu nhập xã hội từ du lịch tăng ở mức cao, nhưng chưa vượt chỉ tiêu đề ra; cơ sở lưu trú du lịch tăng khá nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao; các tuyến, điểm du lịch chậm xây dựng và phát triển. Sản phẩm du lịch đã phát triển đa dạng, nhưng chất lượng còn thấp, thiếu tính độc đáo, đặc sắc riêng có của Bình Định. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ khác chưa đầy đủ…
HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC
Trong thời gian tới, để đưa Du lịch Bình Định phát triển thành một trung tâm du lịch quốc gia có sức cạnh tranh cao, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, Bình Định cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển du lịch của tỉnh.
Việc làm đầu tiên là cần tổng kết nghiêm túc và toàn diện việc thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh uỷ ngày 24/10/2011 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về đầu tư phát triển du lịch và Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 17/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Kế hoạch kích cầu du lịch. Qua tổng kết sẽ khẳng định những thành quả đạt được và nguyên nhân của nó để phát huy; những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân để khắc phục; trên cơ sở đó đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch. Nội dung phát triển du lịch nên được đưa vào các văn kiện chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp của Đảng bộ Tỉnh. Một nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển du lịch Bình Định sẽ giúp cho ngành Du lịch Bình Định một định hướng phát triển toàn diện trong giai đoạn tới, với tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch phát triển du lịch Bình Định được phê duyệt từ năm 1996 đến nay cũng cần được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện đã có nhiều thay đổi.
Phát triển du lịch Bình Định phải xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời phải gắn với Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia và Quy hoạch phát triển của vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, Du lịch Bình Định được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là địa bàn trọng điểm du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ với khu du lịch quốc gia Phương Mai Núi Bà. Trong tiểu vùng du lịch phía Bắc của vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, TP. Quy Nhơn sẽ là Trung tâm phụ trợ. Trong số 24 khu du lịch địa phương của vùng được Quy hoạch vùng hoạch định, Bình Định có 3 khu du lịch là khu du lịch sinh thái núi Hầm Hô, khu du lịch biển Gềnh Ráng và điểm du lịch Bảo tàng Quang Trung phục vụ tham quan, nghiên cứu, giáo dục.
Dự báo mục tiêu phát triển của Du lịch Bình định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định trong Quy hoạch phát triển du lịch vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ có lẽ phù hợp với Bình Định, được thể hiện trong bảng 1 dưới đây.
Bảng 1. Dự báo một số chỉ tiêu phát triển du lịch của tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc cần đưa nội dung phát triển du lịch vào các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp ở Bình Định; một nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; một chương trình hành động phát triển du lịch của UBND tỉnh; một quy hoạch phát triển du lịch trong thời kỳ mới, Bình Định cũng rất cần thiết phải thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả 11 nhóm giải pháp mà Quy hoạch phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ do Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch xây dựng. Những giải pháp đó bao gồm: Giải pháp về cơ chế chính sánh; Giải pháp về đầu tư; Giải pháp về phát triển nhân lực; Giải pháp về hợp tác, liên kết; Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch; Giải pháp về xúc tiến quảng bá; Giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ; Giải pháp về phát triển thị trường; Giải pháp về phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; Giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; và Giải pháp về bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong hệ thống giải pháp nêu trên cần xác định các nhóm giải pháp về chính sách, cơ chế phát triển du lịch; về đầu tư; và về phát triển nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. Nhóm giải pháp liên kết phát triển du lịch, nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữ vai trò quan trọng có tính chất lồng ghép, xuyên suốt với các giải pháp khác trong quá trình phát triển du lịch Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
TS. Nguyễn Văn Lưu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)