Chùa Bà Đanh tên chữ là Bảo Sơn Tự thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Năm 1994, Chùa Bà Đanh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Bà Đanh gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn gồm Tam quan, chùa chính, tả vu, hữu vu, nhà Tổ, phủ Mẫu… Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu; các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ và tượng Pháp Phong theo tín ngưỡng thờ “Tứ Pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong). Trong chùa có pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh. Ngoài ra, trong chùa cũng lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm.
Nằm bên bờ sông Đáy, chùa Bà Đanh lúc nào cũng giữ được vẻ trang nghiêm, thanh bình và tĩnh lặng. Khuôn viên chùa rộng rãi, lát gạch tinh tươm, có đặt các chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo nên không gian hài hòa, xanh mát. Dưới ánh nắng nghiêng chiều, bóng cau khẳng khiu vươn cao trên nền trời xanh thẳm, ngoài sân gạch hoa đại trắng phủ đầy, trong vườn thoang thoảng hương thơm hoa thảo như nhài, mẫu đơn…
Lễ hội chùa BĐanh được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ cầu an, rước kiệu và trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, bơi thuyền chải, cờ người. Nếu không có dịp đi vào đúng hội, sau khi hành lễ ở chùa, du khách có thể tham quan núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc hoặc quần thể đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn nằm cách đó không xa.
HN