Bánh xèo, một cái tên đơn giản nhưng gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi có dịp thưởng thức món này tại một quán ăn ven đường của Đà Nẵng, một thành phố thuộc miền Trung Việt Nam. Với sự đa dạng về văn hóa ẩm thực, thành phố trẻ đầy sức sống này đã làm giàu thêm sự hiểu biết về du lịch trong tôi.
Món bánh xèo được xem là khá “dầu mỡ”, chính vì vậy nó là một loại thức ăn khoái khẩu của người dân địa phương trong mùa lạnh. Bánh được làm từ bột gạo, nước, giá, nghệ - thành phần giúp tạo nên màu vàng “ngon mắt”; cùng với thịt heo nửa nạc nửa mỡ, tôm đất, và cuối cùng là lớp bánh mỏng chiên giòn. Khi ăn, bánh được cuộn vào trong một lớp bánh tráng mỏng với rau cải, rau diếp, bạc hà, rau húng, chuối chát và những loại rau khác, dùng kèm với nước tương đậu nành. Tuy được chế biến đơn giản nhưng món bánh đem lại một hương vị rất riêng, không lẫn với bất kỳ món nào, bởi thế nó được du khách nước ngoài gọi là “bánh cuộn thơm ngon”.
Một món ăn khác xuất hiện trong suy nghĩ của tôi với hình ảnh của một chiếc khay lớn, bày biện nhiều loại rau tươi, các quả ớt xanh, đỏ, một chén mắm “mặn mòi” đặc trưng và một vài miếng bánh mỏng làm từ gạo, đó là món bánh tráng cuốn thịt heo. Quá nhiều thứ trên bàn, trong phút chốc, làm cho tôi lúng túng, nhưng hương thơm của những lát thịt heo nóng hổi cùng chén “mắm cái” đã “thức tỉnh” tôi trở lại với cơn đói của mình. Cũng như những món đặc sản miền Trung khác, đây là một món được ăn theo kiểu cuộn dùng với nước chấm. Cũng bắt đầu bằng một miếng bánh tráng, cuộn bên trong những lát thịt tươi ngon, thêm một nắm rau xanh, rau mùi như bạc hà, búp chuối, rau húng, và cuối cùng, chấm vào chén mắm sóng sánh. Đơn giản, dễ chế biến, nhanh gọn! Quả thật, đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa hương vị và cách bày trí, hấp dẫn người ăn ngay từ miếng đầu tiên và thơm ngon đến miếng cuối cùng. Cô chủ quán còn nói thêm rằng, món chế biến đơn giản và phù hợp khi thưởng thức ở nhà cùng gia đình.
Tôi nhận thấy Đà Nẵng hội tụ rất nhiều món ăn mà tôi đã từng nếm qua khi ở miền Bắc và miền Nam. Một trong những trải nghiệm lý thú của tôi là được tham gia lớp học nấu ăn thú vị tại Furama Resort với bếp trưởng Tuấn. Bằng một giọng nói chân thật và đầy cảm xúc, anh kể về những người dân thuở sơ khai đã đến đây lập nghiệp, mang theo cả những món ăn dân dã đến với miền Trung. Dĩ nhiên, đã có sự thay đổi nhất định về mùi vị, hương liệu để phù hợp với khẩu vị của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Một món đặc sản cũng nổi tiếng không kém mà bếp trưởng Tuấn hướng dẫn chúng tôi chế biến đó là mỳ Quảng. Anh Tuấn nói món ăn này đã thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân miền Trung. Mỳ được cắt thành từng sợi vuông vức, to bản, nằm cạnh những con tôm, những miếng thịt gà, thịt heo hoặc thịt bò, và luôn có một vài cọng rau mùi điểm tô thêm sắc màu cho tô mỳ đang bốc khói nghi ngút. Sợi mỳ vàng óng màu nghệ tươi làm nổi bật lên màu đỏ của thịt và sắc xanh của rau và ớt. Tôi không ăn được cay, nhưng khi ăn mỳ Quảng không thể không ăn kèm những trái ớt xanh, một loại ớt to và thơm nồng, chỉ có tại vùng đất miền Trung.
Mải mê miêu tả các món ăn Đà Nẵng, tôi quên nói về một trong những hương liệu rất quan trọng và đặc trưng nơi đây: rau mùi. Cách bày trí, mùi vị, hương thơm và trên hết là sự tươi ngon của rau mùi đóng một vai trò quan trọng trong việc chế biến thức ăn. Rau mùi, hoa quả và rau xanh được dùng thêm trong mỗi đũa thức ăn tạo nên những hương vị lạ miệng cho thực khách.
Tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều mới từ một số người nông dân thân thiện và “hay nói”, rằng sợi dây vô hình kết nối họ với những lá rau mùi bắt nguồn từ khi tổ tiên xa xưa mang những loại rau này vào trồng trong vườn nhà. Từ đó, rau mùi xuất hiện trên những căn bếp và kết thúc trong những “chiếc bụng” ấm áp và hạnh phúc hơn. Tôi sẽ lưu giữ những câu chuyện chân thực của người dân cũng như những lời kể đi vào lòng người của anh Tuấn. Mặc dù là bếp trưởng của khu nghỉ mát 5 sao, đã từng chế biến và niếm thử nhiều món “sơn hào hải vị”, nhưng anh cũng như bao người dân Đà Nẵng, luôn yêu hương vị dân dã của miền đất “biển mặn, nắng cháy” này.
Julia Chomolok
(Tạp chí Du lịch)